Chuyên mục  


Sáng 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi.

Báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói một số đại biểu đề nghị bổ sung hành vi mua bán bào thai vào nhóm hành vi mua bán người trong dự thảo Luật. Đây là cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp nhận thấy bào thai chưa được xác định là con người nên việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp. Trên thực tế, tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra đang diễn ra phức tạp. Việc thỏa thuận mua bán này là tiền đề của hành vi mua bán người.

Trước tình hình mua bán bào thai chưa được pháp luật điều chỉnh, Điều 3 của dự thảo về hành vi bị nghiêm cấm đã được bổ sung "mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai".

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu sáng 13/8. Ảnh: Media Quốc hội

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đồng tình với cách tiếp cận của dự thảo. Ông cho rằng con người tự nhiên được thể hiện qua một số chức năng sinh học như thở, ăn, uống ngủ, nghỉ, bài tiết. "Về mặt sinh học, bào thai đến một giai đoạn nhất định có thể coi là con người, đáp ứng điều kiện của người tự nhiên, chỉ khác môi trường tồn tại là trong bụng mẹ", ông nói.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng theo quan niệm người Việt, bào thai khi hình thành cũng được coi là con người. Vì vậy, dự thảo điều chỉnh hành vi mua bán bào thai như mua bán người là phù hợp.

Ở quan điểm khác, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị cân nhắc, bởi việc coi bào thai là con người là vấn đề rất tranh cãi trên thế giới. "Cần cấm hành vi mua bán bào thai, tuy nhiên không thể quy định bao thai là người bởi như vậy việc nạo phá thai sẽ được coi là giết người", bà Thúy Anh nói.

Ông Nguyễn Quang Dũng, Phó viện trưởng VKSND Tối cao, nói nếu quy định mua bán bào thai là mua bán người sẽ rất khó cho cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật. Trong khi đó, việc coi bào thai là người cũng là vấn đề gây tranh cãi. Ông đề nghị không đưa mua bán bào thai khái niệm mua bán người, tránh mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật dẫn đến khó thực hiện.

Theo báo cáo của Bộ Công an, giai đoạn 2018-2022, cả nước phát hiện 440 vụ với hơn 1.200 nạn nhân (phụ nữ chiếm 58%). Trong số này 19 vụ bóc lột tình dục; 132 vụ cưỡng bức lao động; 4 vụ để lấy bộ phận cơ thể. Năm 2012-2020, mục đích mua bán người chủ yếu đưa ra nước ngoài (chiếm trên 85% tổng số vụ). Tuy nhiên, gần đây xuất hiện ngày càng nhiều giao dịch ở trong nước, tỷ lệ 45-50%.

Ủy ban Tư pháp cho hay còn xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá. Một số vụ mua bán trẻ sơ sinh núp bóng tổ chức thiện nguyện. Việt Nam không những là nơi xuất phát tội phạm nguồn mà còn là địa bàn trung chuyển mua bán người từ một số nước trong khu vực đi nước thứ ba. Bốn năm qua, cơ quan có thẩm quyền phối hợp giải cứu 352 nạn nhân; tiếp nhận, xác minh 545 người trở về.

Ủy ban Tư pháp nhận định các thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng "tinh vi, vô nhân đạo, có sự câu kết chặt chẽ trong và ngoài nước". Nguyên nhân do Việt Nam có đường biên giới dài, nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Tình trạng thiếu việc làm; lợi nhuận khổng lồ từ mua bán người cũng khiến nhiều người tham gia vào đường dây mua bán người.

Sơn Hà

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020