Chuyên mục  


1710-truong-my-lan-172913355970296937079.jpg

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sáng 17-10 - Ảnh: HỮU HẠNH

Sáng 17-10, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm trong giai đoạn 2 của vụ án Vạn Thịnh Phát đang tuyên án. 

Trong phần nhận định, Hội đồng xét xử cho rằng, bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tại Ngân hàng SCB có hàng loạt hành vi thống nhất từ phát hành trái phiếu đến dụ dỗ người gửi tiền mua trái phiếu.

Dụ dỗ người gửi tiền ở SCB mua trái phiếu

Theo Hội đồng xét xử các bị cáo cơ bản thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, bà Trương Mỹ Lan cho rằng mình không đưa ra chủ trương, chỉ đạo phát hành trái phiếu.

Đối với tội rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, bà Lan cho rằng cùng 1 hành vi nhưng truy tố 2 tội danh là bất lợi cho bị cáo. Số tiền chuyển từ nước ngoài về là tiền vay để cơ cấu Ngân hàng SCB và số tiền chuyển đi là để trả nợ.

Về vấn đề này, Hội đồng xét xử cho rằng có đủ cơ sở xác định bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sau khi nhận được báo cáo của bà Nguyễn Phương Hồng (cựu phó tổng giám đốc SCB) về tình trạng khó khăn về tài chính của Ngân hàng SCB và cá nhân bà Trương Mỹ Lan, đã đồng ý với phương án phát hành trái phiếu của Nguyễn Phương Hồng đưa ra.

1710-chu-lap-co-17291334912091879041159.jpg

Bị cáo Chu Lập Cơ tại phiên tòa sáng 17-10 - Ảnh: HỮU HẠNH

Bà Lan đã họp bàn với các nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt, quyết định sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu "khống" với tổng khối lượng 308.691.388 trái phiếu, bán cho nhiều người dân.

Tính đến ngày 7-10-2022, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền 30.081 tỉ đồng của 35.824 bị hại.

Quá trình này có sự tham gia của các đồng phạm khác trong vụ án. Sau đó, SCB có hàng loạt hoạt động dụ dỗ người mua trái phiếu, đa số người mua trái phiếu là người gửi tiền ở Ngân hàng SCB.

Đây cũng là thủ đoạn để bán trái phiếu thành công. Sau khi người dân chuyển tiền mua trái phiếu thì các bị cáo rút ra hoặc chi cho các hoạt động khác.

Lợi dụng hệ thống thanh toán quốc tế để vận chuyển tiền tệ trái phép

Theo Hội đồng xét xử, từ ngày 1-1-2018 đến ngày 7-10-2022, đã chỉ đạo các cá nhân thuộc Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản nhằm cắt đứt dòng tiền để che giấu, hợp thức nguồn gốc bất hợp pháp số tiền 445.748 tỉ đồng.

Số tiền này đã dùng để chi cho các mục đích khác nhau, như: trả gốc, lãi trái phiếu, chi trả nợ các khoản vay tại Ngân hàng SCB, chi trả cho những người được thuê đứng tên làm giám đốc, cho những người ký chứng từ chạy dòng tiền, chi cho dự án đang triển khai dở dang, chuyển tiền ra nước ngoài…

Ngoài ra, trong thời gian từ 2012 - 2022, mỗi khi cần sử dụng tiền chuyển đi nước ngoài để trả nợ và nhận tiền vay từ nước ngoài về, Trương Mỹ Lan giao cho cấp dưới lập các hợp đồng "khống" mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn, giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài.

Thông qua các hợp đồng "khống" này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống Ngân hàng SCB. Tổng số Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới là 4,5 tỉ USD (chuyển đi 1,5 tỉ USD, nhận về 3 tỉ USD).

Có luật sư cho rằng trong giai đoạn 1 có những khoản tiền chi cho Ngân hàng SCB nhưng bị quy kết cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong hành vi rửa tiền là chưa hợp lý.

Theo Hội đồng xét xử hành vi sử dụng tiền trong nguồn tiền phạm tội là hành vi khách quan của tội rửa tiền, nên quy kết các bị cáo về tội rửa tiền là có căn cứ.

1710-cac-bi-cao-tai-phien-toa-17291340092031154717579.jpg

Các bị cáo tại phiên tòa sáng vụ án Trương Mỹ Lan giai đoạn 2 sáng 17-10 - Ảnh: HỮU HẠNH

Có luật sư cho rằng cần phải xem xét lại tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới vì các bị cáo chuyển tiền qua dịch vụ thanh toán quốc tế của ngân hàng.

Về vấn đề này, Hội đồng xét xử cho rằng các bị cáo không vận chuyển cơ học nhưng đã dịch chuyển trái phép tiền tệ thông qua hệ thống ngân hàng qua các hợp đồng khống. Đây là hành vi phạm tội mới. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận ý kiến của các luật sư.

Hội đồng xét xử đang tuyên án.

Tuổi Trẻ Online tiếp tục cập nhật…

Trước đó, trong giai đoạn 1, bà Trương Mỹ Lan bị TAND TP.HCM tuyên phạt mức án tử hình về tội tham ô tài sản. 20 năm tù về tội đưa hối lộ và 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp mức án là tử hình. Bà Trương Mỹ Lan kháng cáo. Vụ án này chưa được xét xử phúc thẩm.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020