Chuyên mục  


Tối 22/4/1974, Dale Selby Pierre, William Andrews, Keith Roberts và ba người đàn ông khác lái hai xe tải đến cửa hàng thiết bị âm thanh Hi-Fi ở 2323 Đại lộ Washington, thành phố Ogden, ngay trước giờ đóng cửa. Bốn người trong nhóm cầm súng ngắn bước vào cửa hàng, trong khi Keith và một người khác ở lại trên xe.

Hai nhân viên, Stanley Walker, 20 tuổi và Michelle Ansley, 18 tuổi, đang ở trong cửa hàng vào thời điểm đó. Cả hai bị bắt làm con tin, dẫn xuống tầng hầm và trói lại.

Đúng lúc này, Cortney Naisbitt, 16 tuổi, ghé qua để nói chuyện với Stanley và cũng bị trói dưới tầng hầm. Sau đó, bố Stanley là Orren Walker, 43 tuổi, lo lắng vì không thấy con trai về nhà nên đến cửa hàng tìm. Tương tự, mẹ của Cortney là bà Carol Naisbitt, 52 tuổi, cũng đến Hi-Fi tìm con. Cả Orren và Carol đều bị bắt làm con tin.

Những gì diễn ra trong ba giờ tiếp theo là cơn ác mộng kinh hoàng ngoài đời thực. "Đó là tội ác ghê tởm, khủng khiếp nhất mà Ogden, Utah từng chứng kiến", cảnh sát thành phố Ogden cho biết.

Cửa hàng Hi-Fi ở Ogden, Utah. Ảnh: Weber State University

Để xử lý năm người, Dale bảo William trở lại xe tải lấy chai nước thông cống hiệu Drano, rồi rót ra cốc ép các con tin uống, lừa gạt họ là rượu vodka pha thuốc ngủ.

Orren là người cuối cùng bị ép uống Drano. Nhìn thấy những gì xảy ra với các nạn nhân khác, ông ngậm nước trong miệng và nghiêng đầu sang một bên khi nằm trên sàn tầng hầm, để chất này chảy ra một bên miệng rồi bắt chước co giật, la hét.

Dale tức giận vì cái chết diễn ra quá lâu, lại quá ồn ào nên bắn vào sau đầu Carol và Cortney, bắn tiếp Orren nhưng trượt. Hắn bắn chết Stanley trước khi bắn lại Orren, lần này sượt qua phía sau đầu nạn nhân.

Michelle bị Dale đưa đến góc xa của tầng hầm, cưỡng hiếp. Sau đó, hắn kéo thiếu nữ quay lại chỗ các con tin khác, sát hại cô bằng phát súng chí mạng vào sau đầu. Theo lời khai của Orren, câu cuối cùng Michelle nói: "Tôi còn quá trẻ để chết".

Nhận thấy Orren vẫn còn sống, Dale cố sát hạ, rồi rời đi.

Các thi thể được phát hiện khi vợ con Orren đến cửa hàng tìm. Con trai Orren nghe thấy tiếng động từ tầng hầm và phá cửa sau, trong khi mẹ gọi cảnh sát.

Stanley và Michelle đã tử vong. Carol được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng chết trên đường. Cortney sống sót thần kỳ nhưng bị tổn thương não nghiêm trọng, phải nằm viện 266 ngày. Orren bị bỏng nặng ở miệng và cằm, cùng vết thương ở tai do chiếc bút gây ra.

Bất chấp đau đớn, Orren vẫn có thể mô tả chi tiết về chiếc xe tải được sử dụng trong vụ cướp và hai tên cầm đầu. Ông nói kẻ đã nổ súng là một người đàn ông da màu đeo kính có vóc dáng thấp, nói giọng Caribe.

Sau khi tin tức về vụ án nổ ra, một nhân viên Không quân giấu tên đã gọi cho cảnh sát, nói rằng William Andrews đã tâm sự với anh ta nhiều tháng trước đó rằng: "Một ngày nào đó tôi sẽ đi cướp cửa hàng Hi-Fi đó, và nếu ai đó cản trở, tôi sẽ giết họ".

Vài giờ sau, hai thiếu niên nhặt rác trình báo cảnh sát vì phát hiện túi và ví của nạn nhân tại Căn cứ Không quân Hill, nhận ra họ qua ảnh trên giấy phép lái xe.

Tin rằng hung thủ có thể đang lẫn trong đám đông vây xem hiện trường, thám tử Deloy White quyết định biểu diễn để tìm kiếm kẻ đáng ngờ. Deloy dùng kẹp gắp từng mảnh bằng chứng ra khỏi thùng rác, giơ lên cao. Sau đó, ông lưu ý rằng hầu hết nhân viên tụ tập quanh thùng rác đều đứng yên và im lặng quan sát, ngoại trừ hai người đàn ông đi vòng quanh đám đông, nói to tiếng và có những cử chỉ tay kích động.

Dựa trên phản ứng của hai người đàn ông, thám tử bắt cả hai để thẩm vấn, xác nhận họ là Dale và William, sống ở doanh trại gần Căn cứ Không quân Hill. Họ có ngoại hình phù hợp với mô tả của ông Orren.

Dale Selby Pierre (áo trắng) và William Andrews (đeo dây chuyền) bị bắt. Ảnh: Weber State University

Khám xét doanh trại của họ, cảnh sát tìm thấy tờ rơi quảng cáo của cửa hàng Hi-Fi, giấu dưới tấm thảm sàn là hợp đồng cho thuê kho lưu trữ cách cửa hàng Hi-Fi khoảng một dãy nhà, có chữ ký của Dale. Số thiết bị âm thanh trị giá 24.000 USD thu hồi từ nhà kho được xác định thuộc về cửa hàng Hi-Fi qua số sê-ri. Cảnh sát cũng tìm thấy chai Drano đã vơi một nửa.

Vài tuần sau, Keith Roberts bị bắt qua cuộc thẩm vấn tại căn cứ. Ba người bị buộc tội cướp tài sản, giết người cấp độ một.

Báo cáo chính thức của cảnh sát cho biết sáu người đàn ông da màu lái hai xe tải thực hiện vụ cướp. Keith và một người ở lại ôtô, còn hai người khác chất đồ lên xe tải, trong khi Dale cùng William tra tấn và sát hại các nạn nhân. Tuy nhiên, các thám tử chỉ có đủ bằng chứng để kết tội Dale, William và Keith.

Dale 21 tuổi, là người gốc Trinidad và Tobago. Năm 1973, Dale gia nhập Lực lượng Không quân Mỹ, được chuyển đến Căn cứ Không quân Hill làm thợ cơ khí trực thăng và quen biết William, 19 tuổi. Hắn là nghi phạm chính trong vụ sát hại một Trung sĩ Không quân vào tháng 10/1973, nhưng cảnh sát thiếu bằng chứng buộc tội.

Vào thời điểm xảy ra vụ án ở Hi-Fi, Dale đang được tại ngoại vì tội trộm xe từ một đại lý xe hơi ở Salt Lake City.

Phiên tòa chung xét xử Dale, William và Keith bắt đầu vào tháng 10/1974. Ông Orren là nhân chứng chính của bên công tố. Do bị tổn thương não dẫn đến mất trí nhớ, Cortney không thể ra làm chứng.

Công tố viên chỉ ra Dale và William cướp cửa hàng với ý định giết bất cứ ai họ gặp. Trong những tháng trước đó, họ đã tìm mọi cách để giết người một cách lặng lẽ và sạch sẽ. Cả hai ép các nạn nhân uống Drano sau khi xem bộ phim Magnum Force (1973), chiếu tại căn cứ, trong đó có cảnh một cô gái bán dâm chết vì bị ép uống chất tẩy rửa.

Thám tử Deloy nhận xét William là "bộ não" đằng sau toàn bộ vụ việc, Dale là người thực thi.

Keith, 19 tuổi, ban đầu phủ nhận tham gia vụ cướp, nhưng thừa nhận trước tòa rằng đóng vai trò là người lái xe chở tất cả chạy trốn. Theo công tố viên, Keith được nhìn thấy đi đi lại lại trước cửa hàng Hi-Fi cùng thời điểm vụ giết người xảy ra, dù anh ta khăng khăng ở trong xe tải suốt thời gian đó.

Ngày 16/11/1974, Dale và William bị kết tội về mọi tội danh, nhận án tử hình.

Keith được tuyên trắng án về tội giết người vì tòa án cho rằng anh ta không có vai trò gì cũng như không biết gì về các vụ giết người. Nhưng Keith bị kết tội cướp tài sản, bị tuyên án chung thân với thời hạn tối thiểu là 5 năm tù, được ân xá vào năm 1987.

William Andrews bị áp giải rời tòa án, năm 1988. Ảnh: Standard-Examiner

Sau khi tòa tuyên án tử hình hai bị cáo, Hiệp hội quốc gia vì sự Tiến bộ của người da màu (NAACP) và Tổ chức Ân xá Quốc tế đã vận động để giảm án cho Dale và William. NAACP yêu cầu hủy bỏ bản án tử hình vì thành kiến chủng tộc tại phiên tòa. Họ lưu ý rằng các bị cáo đều là người da màu, còn nạn nhân và bồi thẩm đoàn đều là người da trắng. Bất chấp những kiến nghị, hai bản án tử hình đều được giữ nguyên.

Sau khi bị từ chối khoan hồng, Dale bị xử tử bằng cách tiêm thuốc độc vào ngày 28/8/1987, ở tuổi 34.

Tại cuộc phỏng vấn với KUTV trong tù năm 1992, William thừa nhận nhắm mục tiêu vào Hi-Fi sau khi làm quen với Stanley vài tháng trước vụ cướp, biết cửa hàng có nhiều đồ giá trị. Hắn đổ lỗi cho Dale về hành vi bạo lực quá mức dẫn đến án mạng.

Bản án tử hình của William gây tranh cãi vì hắn không trực tiếp giết bất kỳ nạn nhân nào, dù thừa nhận đã đổ Drano xuống cổ họng họ. Sau khi bị hoãn thi hành án nhiều lần, William tiêm thuốc độc vào ngày 30/7/1992, ở tuổi 37, sau 18 năm kháng cáo. Một tuần sau, Keith tự tử.

Ông Orren qua đời năm 2000 ở tuổi 69. Cortney qua đời hai năm sau đó ở tuổi 44 do sức khỏe bị tổn hại nghiêm trọng sau vụ việc.

Vụ án này được tái hiện trong bộ phim Aftermath: A Test of Love (1991). Những trải nghiệm của Cortney Naisbitt và gia đình cũng được kể lại trong cuốn sách Victim: The Other Side of Murder (1982) của Gary Kinder.

Tuệ Anh (Theo Standard-Examiner, ABC4)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020