Chuyên mục  


Sân bay quốc tế Muan ở tỉnh Jeolla Nam là nơi chứng kiến thảm kịch hàng không tồi tệ nhất trong lịch sử Hàn Quốc, khi máy bay của hãng hàng không Jeju Air hôm 29/12 trượt trên đường băng và đâm vào tường bê tông rồi bốc cháy, khiến 179 trên tổng số 181 người trên phi cơ thiệt mạng.

Sự cố thảm khốc này khiến các chuyên gia hàng không Hàn Quốc một lần nữa đặt câu hỏi về những bất cập trong thiết kế và năng lực vận hành của sân bay Muan, cơ sở đã gây nhiều tranh cãi trước đây.

Sân bay quốc tế Muan bắt đầu được xây dựng từ năm 1999 trong cam kết chính trị dưới thời tổng thống Kim Dae-jung, được kỳ vọng trở thành trung tâm kinh tế cho khu vực cho phía tây nam Hàn Quốc.

Khai trương vào năm 2007, sân bay ban đầu đặt mục tiêu đón 9,92 triệu hành khách mỗi năm, song những hạn chế về năng lực khiến nó khó đáp ứng được kỳ vọng. Năm ngoái, sân bay chỉ đón 246.000 hành khách.

Trong 17 năm qua, Muan chưa từng vận hành các chuyến bay quốc tế theo tuyến cố định. Chuyến bay Jeju Air gặp nạn nằm trong tuyến bay Muan-Bangkok mới được đưa vào khai thác từ ngày 8/12.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay Jeju Air ở sân bay Muan, Hàn Quốc, ngày 29/12. Ảnh: Chosun

Hạn chế lớn nhất của sân bay Muan là nó chỉ có một đường băng duy nhất dài 2.800 mét, ngắn hơn so với hầu hết các sân bay quốc tế khác của Hàn Quốc và không thể tiếp nhận chuyến bay có tải trọng trên 400 tấn.

Sân bay Incheon, sân bay quốc tế lớn nhất Hàn Quốc, có bốn đường băng, trong đó ba đường dài 3.750 m và một đường dài 4.000 m. Các sân bay Gimpo, Gimhae và Jeju đều có đường băng dài trên 3.000 m.

Các trung tâm hàng không toàn cầu như sân bay John F. Kennedy của New York và Charles de Gaulle ở Paris đều có đường băng dài trên 4.000 m.

"Chiều dài của đường băng sân bay Muan chỉ đủ đáp ứng các hoạt động hàng không thông thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tình huống khẩn cấp như máy bay hạ cánh bằng bụng", Kim Kyu-hwan, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Hàng không của Tổng công ty Sân bay Hàn Quốc (KAC), cho biết.

Ngay từ khi sân bay mở cửa vào năm 2007, tỉnh Jeolla Nam đã nhiều lần kiến nghị chính phủ kéo dài đường băng. Chính quyền địa phương cho rằng nếu đường băng không đạt ít nhất 3.000 m, sân bay Muan rất khó tiếp nhận máy bay Boeing 747, vốn là dòng chủ lực của các hãng hàng không.

khoanh-khac-may-bay-han-quoc-lao-khoi-duong-bang-boc-chay-1735444074.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Owzvg5QV8Gd2o8yAhlwHhg
Khoảnh khắc máy bay Hàn Quốc lao khỏi đường băng, bốc cháy

Khoảnh khắc máy bay Hàn Quốc lao khỏi đường băng, đâm vào bức tường và bốc cháy ở sân bay Muan hôm 29/12. Video: MBC

Việc mở rộng đường băng cũng cho phép các máy bay thân rộng hoạt động trên các tuyến bay đến châu Mỹ và châu Âu cất hạ cánh. Muan từ năm 2018 khởi công dự án kéo dài đường băng lên 3.126 m, dự kiến đến năm 2025 hoàn tất. Tuy nhiện, việc thi công dự án lại làm giảm chiều dài sử dụng thực tế của đường băng xuống còn 2.500 m.

Trước những ý kiến cho rằng đường băng ngắn là nguyên nhân gây ra tai nạn, ông Joo Jong-hwan, giám đốc chính sách hàng không thuộc Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc, cho hay thiết kế đường băng dài 2.800 m vẫn thường được sử dụng ở nhiều sân bay quốc tế.

"Thật khó để khẳng định tai nạn xảy ra là do đường băng không đủ dài", ông nói.

Ngoài chiều dài đường băng, một điểm gây tranh cãi khác trong vụ tai nạn là bức tường bê tông cao 2 m được xây trên ụ đất ở đầu đường băng. Máy bay Jeju Air đã trượt bằng bụng trên đường băng khi hạ cánh khẩn cấp, trước khi lao vào bức tường này và vỡ tan, bốc cháy.

Ông Joo xác nhận bức tường này được xây cách điểm cuối đường băng khoảng 251 m, làm bệ để lắp đặt đài chỉ hướng hạ cánh thuộc Hệ thống Hỗ trợ Hạ cánh (ILS). Cấu trúc này được xây cao do địa hình dốc ở cuối đường băng, nhằm cung cấp dữ liệu để phi công thực hiện quá trình hạ cánh xuống đường băng một cách an toàn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia hàng không chỉ ra rằng hệ thống ILS thường được bố trí trên các khung thép dễ gãy gập nếu bị máy bay va vào, nhằm giảm thiểu lực tác động. "Tôi nghĩ xây dựng tường kiên cố tại vị trí này gần như có thể coi là hành vi phạm tội", David Learmount, chuyên gia hàng đầu về an toàn hàng không ở Anh, nhận định.

Trước những cáo buộc rằng sân bay Muan đã vi phạm quy định về an toàn khi dùng tường bê tông làm bệ đỡ cho hệ thống ILS, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc cho hay họ đang rà soát lại toàn bộ quy định xây lắp ở cơ sở này để đánh giá mối liên quan của chúng với vụ tai nạn.

Nguy cơ va phải chim cũng là yếu tố gây tranh cãi trong nhiều năm qua về sân bay Muan. Trong giai đoạn lập kế hoạch xây dựng, một số báo cáo đánh giá tác động môi trường của Hàn Quốc đã cảnh báo nguy cơ máy bay va chạm chim nếu chính phủ xây sân bay ở Muan.

Giới chuyên gia môi trường ước tính có hơn 12.000 cá thể chim di cư bay qua khu vực này mỗi năm, hoạt động ở các khu vực gần như bao quanh sân bay.

Vị trí các quần thể chim di cư gần sân bay quốc tế Muan. Đồ họa: Chosun

Ban quản lý sân bay được cho là không áp dụng đầy đủ các biện pháp giảm thiểu nguy cơ va chạm chim, khiến sân bay Muan ghi nhận tỷ lệ máy bay đâm phải chim cao nhất ở Hàn Quốc.

Sân bay này ghi nhận 10 sự cố đâm va chim từ năm 2019 đến tháng 8/2024, tương ứng tỷ lệ 0,09%, cao hơn nhiều lần so với 0,013% tại Jeju và 0,018% tại Gimpo. Các biện pháp đảm bảo an toàn hàng không như phát loa, chiếu tia laser và đèn cảnh báo xua đuổi chim đã bị gián đoạn trong vài năm qua, do công trình đang kéo dài đường băng.

Thanh Danh (Theo Chosun Ilbo, Pulse, Chosun Biz)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020