Chuyên mục  


"Các đơn vị Ukraine đang phải đối mặt với sức ép khủng khiếp từ chiến thuật của Nga", Dara Massicot, chuyên gia thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, cho biết cuối tuần trước sau khi kết thúc chuyến nghiên cứu tại Ukraine.

Theo bà Massicot, quân đội Nga đang chia lực lượng xung kích thành các phân đội rất nhỏ, mỗi đội chỉ gồm vài người, để liên tục tấn công phòng tuyến Ukraine suốt ngày lẫn đêm. "Đây là chiến thuật nghìn vết cắt, gây rất nhiều căng thẳng cho các đơn vị Ukraine trong tình trạng thiếu hụt nhân lực", chuyên gia Mỹ đánh giá.

Quân nhân Nga gần tiền tuyến tại tỉnh Donetsk ngày 12/11. Ảnh: BQP Nga

"Nghìn vết cắt" không phải chiến thuật mới mẻ, nó từng được sử dụng trong nhiều cuộc xung đột suốt lịch sử thế giới. Chiến thuật này sử dụng các hình thức tác chiến khác nhau, không đánh bại đối phương bằng sức mạnh áp đảo, mà khiến họ suy yếu tinh thần và nguồn lực đến mức phải đầu hàng hoặc từ bỏ nhiệm vụ đề ra.

Các nhóm vũ trang Hồi giáo từng áp dụng chiến thuật này trong thập niên 1980 để khiến quân đội Liên Xô chịu tổn thất nặng, phải rút khỏi Afghanistan vào năm 1989.

Taliban sau đó áp dụng cách tác chiến tương tự, liên tục phục kích, cài thiết bị nổ tự chế (IED) và tấn công du kích trong suốt 20 năm, khiến Mỹ không thể duy trì lực lượng tại Afghanistan và phải rút quân năm 2021.

Mick Ryan, cựu thiếu tướng lục quân Australia, cho rằng Nga đã áp dụng chiến thuật "nghìn vết cắt" từ giữa năm nay, khi liên tiếp tiến công dọc theo tiền tuyến ở tỉnh Kharkov và vùng Donbass, gồm tỉnh Lugansk và Donetsk.

"Quân đội Ukraine mỗi ngày phải đối mặt với hàng chục, hàng trăm đợt tiến công riêng rẽ trên phòng tuyến dài cả nghìn km. Điều này dần dần gây ra gánh nặng cho lực lượng vũ trang", ông cho hay.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: RYV

Giới chuyên gia phương Tây nhận định Nga phải chịu tổn thất lớn khi liên tục điều các phân đội nhỏ tấn công vị trí Ukraine nhưng họ chấp nhận điều đó để mở rộng vùng kiểm soát. Chiến thuật khiến các đơn vị Ukraine, vốn thiếu cả quân lẫn hậu cần, không có thời gian nghỉ ngơi và tái tổ chức lực lượng.

Trong trường hợp tiến quân thành công, lực lượng Nga giành thêm chỗ đứng, tiếp tục thọc sâu và xuyên thủng phòng tuyến Ukraine.

Với chiến thuật này, quân đội Nga đã kiểm soát các thành phố chiến lược như Bakhmut và Avdeevka, đồng thời liên tục tiến về thành phố cửa ngõ Pokrovsk ở tỉnh Donetsk và nhiều nơi khác. "Nga sẵn sàng chịu tổn thất trong cuộc chiến tiêu hao, trong khi Ukraine hứng chịu nhiều bất lợi do nguồn lực nhỏ hơn", Massicot nói.

Quân đội Nga cũng tìm cách đánh bật lực lượng Ukraine khỏi các khu vực tại tỉnh Kursk mà Kiev kiểm soát từ khi mở chiến dịch tấn công bất ngờ hồi tháng 8.

Các quan chức Mỹ giấu tên ngày 28/12 nhận định Ukraine đã mất một nửa khu vực chiếm được ở tỉnh Kursk, chỉ có thể duy trì kiểm soát những vùng còn lại trong vài tháng tới. "Họ sẽ phải rút lui hoặc đối mặt nguy cơ bị bao vây", một người cho hay.

Nguyễn Tiến (Theo BI, AFP, AP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020