Theo số liệu công bố ngày 10/12 của Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu tháng 11 tăng 6,7%. Mức này thấp hơn dự báo (8,5%) và giảm so với tháng 10 (12,7%).
Nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm 3,9% - thấp nhất 9 tháng và ngược với dự báo của giới phân tích là tăng 0,3%. Điều này càng gây thêm sức ép kích thích lên giới chức Trung Quốc, kéo nhu cầu trong nước lên cao.
Trước đó, Bộ Chính trị Trung Quốc đã cam kết tăng kích thích tài khóa trong năm 2025 và nới lỏng chính sách tiền tệ.
"Nhu cầu toàn cầu không mạnh. Số liệu từ các nền kinh tế xuất khẩu khác cũng cho thấy sự chậm lại", Xu Tianchen - nhà kinh tế học cấp cao tại hãng nghiên cứu EIU nhận định.
Ông cho biết các nước đã tăng mua hàng trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức tháng tới. Tuy nhiên, tác động hoàn chỉnh lên số liệu sẽ xuất hiện vào các tháng sau.
Tàu hàng và container tại cảng Thanh Đảo (Trung Quốc). Ảnh: Reuters
Ông Trump gần đây đe dọa áp thuế bổ sung 10% với hàng hóa từ Trung Quốc nhằm buộc Bắc Kinh nỗ lực hơn trong việc ngăn hoạt động buôn lậu vào Mỹ các hóa chất để tạo ra fentanyl. Trước đó, ông cho biết sẽ áp thuế nhập khẩu 60% với hàng hóa nước này.
So với thuế nhập khẩu ông Trump áp lên Trung Quốc trong nhiệm kỳ 1, đợt thuế sắp tới được đánh giá sẽ tác động lớn hơn. Xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng của Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế gần đây chậm lại và niềm tin tiêu dùng - kinh doanh đi xuống do khủng hoảng bất động sản kéo dài.
Tuy vậy, kinh tế nước này vài tháng qua có tín hiệu bình ổn, sau khi giới chức tung hàng loạt chính sách kích thích kể từ cuối tháng 9. PBOC đã hạ lãi suất và nhiều lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) cho các ngân hàng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ông tin tưởng nước này đạt mục tiêu tăng trưởng quanh 5% năm nay. Ông cũng hy vọng Mỹ sẽ "hợp tác với Trung Quốc" và lặp lại tuyên bố không ai thắng cuộc trong cuộc chiến thuế nhập khẩu, thương mại và công nghệ.
Hà Thu (theo Reuters)