Từ trái qua: Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, nhà báo Trần Xuân Toàn và ông Trần Khắc Tâm - chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng trao đổi trước buổi hội thảo ngày 10-12-2024 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 10-12, tại TP Sóc Trăng, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh ngành lúa gạo Việt Nam đang đạt được những thành tựu ấn tượng về xuất khẩu.
Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, nhà báo Trần Xuân Toàn trao đổi với ông Koji Takeuchi g giám đốc điều hành trang trại Yamabun (Nhật Bản) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chương trình có sự tham gia của hơn 150 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp.
Về phía lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ông Lê Thanh Hòa - phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); ông Nguyễn Văn Bảy - phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); ông Nguyễn Thành Nam - phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương)
Về phía chuyên gia trong nước và quốc tế có ông Sakda Sinives - cố vấn chuyên môn Công ty TNHH A.S Power Green; ông Koji Takeuchi - giám đốc điều hành trang trại Yamabun (Nhật Bản); bà Phoebe Ricarte - chuyên gia Philippines.
Về phía chuyên gia trong nước có sự góp mặt của Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp - chuyên gia kinh tế; Ông Nguyễn Phương Lam - giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long; Tiến sĩ Võ Hùng Dũng - nguyên giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long; Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân - viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long; PGS.TS Nguyễn Văn Sánh - nguyên giám đốc, nguyên Viện nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long; Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua.
Hơn 150 khách mời là doanh nhân, chuyên gia, lãnh đạo dự hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Với 100 triệu dân, nhu cầu gạo của thị trường Việt Nam rất lớn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Về phía lãnh đạo địa phương tỉnh Sóc Trăng có ông Lâm Văn Mẫn - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; ông Vương Quốc Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; ông Huỳnh Ngọc Nhã - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng.
Cùng lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường, Sở Khoa học và công nghệ: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Cần Thơ.
Đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã của các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long.
"Thời điểm xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt đã đến gần"
Nhà báo Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, kể câu chuyện bản thân trải nghiệm khi đi chợ Xóm Chiếu (quận 4, TP.HCM). Khi hỏi tiểu thương bán gạo ở chợ này về loại gạo nào bán nhiều nhất và có giá bán cao nhất, ông được cho biết khoảng hai năm nay, gạo ST "đánh bạt" các loại gạo khác, chỉ có bếp ăn tập thể mới mua gạo xá (không đóng bao cứng mà cân theo nhu cầu người mua).
Theo nhà báo Trần Xuân Toàn, TP.HCM có dân số 13 triệu dân, nhu cầu thị trường gạo vô cùng lớn. Xét rộng ra, Việt Nam có 100 triệu dân, nhu cầu thị trường gạo còn lớn hơn rất nhiều.
"Nhu cầu tiêu dùng đã thay đổi trong nhiều năm qua. Người tiêu dùng đã chuyển hướng tiêu dùng gạo chất lượng thay vì số lượng. Và nhìn rộng ra thế giới, nhìn vào con số xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây sẽ thấy được gạo chất lượng đang là nhu cầu lớn.
11 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 8,5 triệu tấn gạo, kim ngạch hơn 5,3 tỉ USD, tương ứng tăng 11% và 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Điều đó cho thấy nhu cầu thị trường gạo vô cùng lớn, đặc biệt là chất lượng cao. Thời cơ, thời điểm xây dựng thương hiệu gạo quốc gia đã đến gần. Đây là cơ hội vô cùng lớn", ông nói.
Ở các nước lân cận, Thái Lan có gạo Hom Mali, Ấn Độ có gạo Basmati, Nhật Bản có gạo Japonica. Khi nói tới quốc gia nào thì định vị được gạo nổi danh của quốc gia đó.
"Tuổi Trẻ là cơ quan truyền thông. Chúng tôi thấy có nhiệm vụ chung tay xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. Nhắc tới Việt Nam, người tiêu dùng trong nước và thế giới nghĩ tới thương hiệu gạo nào, nhãn hiệu gạo nào là vấn đề vô cùng thách thức", nhà báo Trần Xuân Toàn chia sẻ bối cảnh tổ chức hội thảo.
Bà Phoebe Ricarte - chuyên gia Philippines và ông Ny Lyheng - chuyên gia Campuchia - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thị hiếu người dùng thay đổi, cách làm ra hạt gạo cũng cần thay đổi
Ông Vương Quốc Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - phát biểu chào mừng các vị khách về dự hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nói về ý nghĩa của hội thảo "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt", ông Vương Quốc Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho rằng đây là sự kiện có nghĩa rất quan trọng, góp phần quảng bá thương hiệu gạo, đặc biệt trong bối cảnh các tỉnh miền Tây đang thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.
Ông Nam cho biết thêm, trong những năm gần đây Sóc Trăng đã có chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng biến đổi khí hậu. Ngành lúa gạo được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, ngành lúc gạo từng bước đi vào chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người trồng lúa.
Điểm nổi bật là tỉ lệ lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 54%. Riêng giống lúa ST24 và ST25 chiếm trên 18% và được xếp hạng "gạo ngon nhất thế giới" qua các kỳ dự thi quốc tế.
Ông Nam cho rằng hiện áp lực cạnh tranh trên trường quốc tế ngày càng lớn đối với ngành hàng lúa gạo. Nhiều nước trong khu vực có lợi thế về lúa gạo cũng đang dần mở cửa trở lại sau một thời gian hạn chế xuất khẩu.
Thị hiếu tiêu dùng một số thị trường truyền thống cũng đã có sự thay đổi đáng kể. Nhiều nước và người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến sản phẩm lúa gạo ngon, nhiều dinh dưỡng, an toàn cho sức khỏe mà còn yêu cầu sản xuất ra hạt gạo phải thân thiện với môi trường. Điều đó cho thấy ngành lúa gạo của Việt Nam đang đứng trước thử thách và cơ hội đan xen.
Theo ông Nam, sự ra đời của đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp găn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 là bước ngoặt mới, là nền tảng mở đường cho sự phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam giai đoạn mới.
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
9 yếu tố xây dựng thương hiệu gạo quốc gia - kinh nghiệm từ Thái Lan
Đóng góp tham luận tại hội thảo, ông Sakda Sinives - cố vấn Công ty A.S Power Green - đưa ra một số bài học từ Thái Lan và sự cần thiết của việc thiết lập nhãn hiệu chứng nhận cho gạo Việt Nam.
Ông cho biết, tầm quan trọng của nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm là biểu tượng cho sự tin tưởng của người tiêu dùng. Đó cũng là chỉ số đánh giá độ tin cậy của nhà sản xuất và toàn bộ quy trình sản xuất và nhãn hiệu chứng nhận của Việt Nam có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nội địa trên thị trường quốc tế.
Ông Sakda Sinives gợi ý 9 yếu tố chính để tạo ra tên một thương hiệu như nhận diện thương hiệu, mức độ phù hợp với đối tượng mục tiêu. Khả năng đăng ký bảo hộ, khả năng mở rộng, liên kết sản phẩm, tích hợp logo và khẩu hiệu. Phản hồi và thử nghiệm, kế hoạch tiếp thị và tính bền vững thương hiệu.
Ông cũng đưa ra mô hình làm nhãn hiệu như "Thai Select". Đây là chứng nhận uy tín do Chính phủ Hoàng gia Thái Lan cấp và các sản phẩm đều được chứng nhận tiêu chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thành công của ST25 là minh chứng cho tiềm năng của ngành gạo Việt Nam
Ông Lê Thanh Hòa - phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường - trình bày tham luận Tình hình xây dựng và phát triển thương hiệu lúa gạo Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Lê Thanh Hòa - phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết ngành lúa gạo Việt đã trải qua quá trình phát triển ấn tượng trong những thập kỷ qua. Từ một nước nhập khẩu, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, được tổ chức lương thực thế giới (PAO) xếp là quốc gia đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Vụ lúa gạo 2024, cả nước có 7,09 triệu ha, năng suất trung bình 61,2 tạ/ha, và sản lượng 43,4 triệu tấn.
10 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu gạo Việt sang Phillipines tăng 59,1%, sang Indonesia 20,2% và Malaysia tăng 2,2 lần.
Ông Hòa cho biết thêm, vai trò của thương hiệu trong phát triển ngành gạo là yếu tố gia tăng giá trị sản phẩm và tính cạnh tranh, gắn kết mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.
Ông cũng nêu một số thực trạng phát triển thương hiệu gạo tại Việt Nam hiện nay đã mang lại kết quả. Cụ thể là một số doanh nghiệp gạo Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu và tạo dựng chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Điển hình là các thương hiệu như gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua. Trong đó, gạo ST25 đã mang lại niềm tự hào cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi giành danh hiệu "Gạo ngon nhất thế giới".
Thành công của ST25 là minh chứng cho tiềm năng lớn của ngành gạo Việt Nam, tạo tiền đề để ngành gạo Việt Nam nâng tầm thương hiệu trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, việc phát triển thương hiệu gạo Việt còn một số khó khăn, như xây dựng lòng tin về chất lượng, thiếu hỗ trợ pháp lý trong việc bảo hộ thương hiệu quốc tế và chưa chú trọng thị trường nội địa.
"Cần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng phát triển thương hiệu gạo và chỉ dẫn địa lý, đa dạng hóa sản phẩm gạo xuất khẩu. Phát triển sản phẩm gạo giá trị gia tăng, đổi mới công nghệ trong sản xuất gạo và đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, khẳng định vị thế thương hiệu", ông Hòa nêu 6 giải pháp để khắc phục và xây dựng thương hiệu gao Việt.
Hội thảo Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia cho gạo Việt là hoạt động đầu tiên trong chuỗi chương trình truyền thông xây dựng thương hiệu gạo Việt do báo Tuổi Trẻ khởi xướng và được tổ chức từ năm 2024 đến hết năm 2025 và các năm tiếp theo.
Mục tiêu của chương trình là tạo ra một diễn đàn mở, kêu gọi sự tham gia tích cực của các chuyên gia hàng đầu, các doanh nghiệp và các nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm, để đưa ra được những đề xuất thiết thực, góp phần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam ngày càng vững mạnh trên thị trường quốc tế.
* Tuổi Trẻ Online cập nhật