Trong một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, chưa đến một nửa giám đốc điều hành của các doanh nghiệp Mỹ kinh doanh tại Trung Quốc cho biết họ lạc quan về triển vọng tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Đây là mức thấp kỷ lục.
Hôm 4/12, Mary Barry - CEO của General Motors, cho biết nhà sản xuất ô tô của Mỹ lỗ hơn 5 tỷ USD ở các hoạt động liên doanh tại Trung Quốc và đóng cửa các nhà máy tại đây. Không chỉ GM, nhiều công ty Mỹ và châu Âu từng ăn nên làm ra ở Trung Quốc cũng chứng kiến tình trạng tương tự.
Người tiêu dùng không muốn tiêu tiền
Trong những thập kỷ gần đây, các sếp doanh nghiệp phương Tây không chỉ coi Trung Quốc là nơi sản xuất hàng hoá giá rẻ mà còn là một thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng. Theo phân tích của Economist, doanh số tại Trung Quốc của các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu đạt đỉnh 670 tỷ USD vào năm 2021, chiếm 15% tổng doanh số của họ.
Song, tình hình lại ngày càng trở nên ảm đạm. Năm ngoái, tổng doanh thu của các doanh nghiệp nước ngoài giảm xuống còn 650 tỷ USD, tỷ trọng của thị trường Trung Quốc trong tổng doanh thu giảm xuống còn 14%. Và sự cải thiện vẫn chưa diễn ra. Economist chỉ ra, gần 1 nửa doanh nghiệp họ theo dõi chứng kiến doanh số giảm so với cùng kỳ năm trước trong thời điểm số liệu gần đây nhất được báo cáo.
Trong số các công ty đó có Apple, Volkswagen, Starbucks và LVMH. Và dù hoạt động kinh doanh của một số công ty phương Tây như Eli Lilly, công ty sản xuất thuốc và gã khổng lồ ngành bán lẻ Walmart vẫn tiếp tục tiến triển nhưng đang dần đi xuống.
Một trong những nguyên nhân là kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Lĩnh vực bất động sản suy thoái đã khiến giá nhà trên cả nước giảm mạnh và người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng.
Hồi tháng 9, Bắc Kinh đã phát tín hiệu sẽ làm mọi cách để hồi phục nền kinh tế nhưng tình hình không cải thiện nhiều. Doanh số bán nhà vẫn tiếp tục giảm và có thể kéo dài đến năm 2025. Dù các biện pháp kích thích đã được đưa ra nhưng nhu cầu vẫn đang đi xuống.
Áp lực giảm phát đang ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp Trung Quốc, không chỉ là các doanh nghiệp nước ngoài, theo Bo Zhengyuan, chuyên gia của hãng tư vấn Plenum tại Bắc Kinh. Đến cuối tháng 10, 27% các công ty công nghiệp của Trung Quốc báo lỗ.
Tình trạng cung vượt cầu trong nhiều ngành từ xe điện đến vật liệu xây dựng đã “thổi bùng” lên cuộc chiến giá cả đầy khốc liệt. Bà Barra, CEO của GM, cho biết chính cuộc chạy đua này đã khiến nhà sản xuất ô tô làm ăn thua lỗ ở Trung Quốc.
Đối thủ nội địa quá mạnh
Tuy nhiên, các công ty phương Tây cũng đang bị các đối thủ Trung Quốc vượt mặt. Starbucks sụt giảm thị phần vì Luckin Coffee - đối thủ nội địa có giá sản phẩm rẻ hơn và hơn 21.000 cửa hàng tại quốc gia này, gấp 3 lần so với chuỗi cửa hàng của Starbucks.
Brian Niccol, tân CEO của Starbucks, cho biết công ty phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt tại Trung Quốc. Có thông tin cho rằng, Starbucks đang cân nhắc bán cổ phần tại thị trường này cho một đối tác.
Trong nhiều ngành khác, các công ty phương Tây cũng không còn được hưởng lợi từ lợi thế về công nghệ mà họ từng có so với các đối thủ Trung Quốc. Các nhà sản xuất robot công nghiệp Trung Quốc hiện cung cấp gần 1 nửa sản phẩm cho thị trường nội địa, tăng từ mức chưa đến 1/3 vào năm 2020.
Khó khăn của Apple cũng trở nên căng thẳng hơn do sự xuất hiện của các dòng smartphone của Huawei. Trong khi đó, xe điện của BYD, NIO và các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác không chỉ giá rẻ hơn, mà còn được trang bị đầy đủ công nghệ thông minh mà người tiêu dùng trong nước mong muốn.
Khi thị trường Trung Quốc còn trong thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ, các công ty phương Tây dễ dàng tăng doanh số dù mất thị phần, nhưng hiện tại thì không.
Mắc kẹt giữa mâu thuẫn thương mại
Chưa dừng ở đó, các công ty phương Tây cũng là “nạn nhân” trong mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Hôm 2/12, Mỹ đã áp đặt các hạn chế mới với việc bán các công cụ sản xuất chip cho một số công ty Trung Quốc. Động thái này sẽ gây tổn hại cho các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn của Mỹ như Applied Materials, Lam Research, KLA và ASML.
Công ty trong các ngành được coi là nhạy cảm như sản xuất chip không phải lần đầu tiên rơi vào tình thế này. Song, số lượng các ngành phải chịu sự bất ổn về địa chính trị dường như sẽ nhiều hơn.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất rượu mạnh của châu Âu, bao gồm Rémy Cointreau và Pernod Ricard, đều lao dốc vào tháng 10. Trước đó, Trung Quốc tuyên bố áp dụng các biện pháp chống bán phá giá với rượu mạnh để đáp trả việc EU áp thuế với xe điện nước này.
Hôm 2/12, nhà sáng lập Uniqlo đã bị chỉ trích nặng nề vì thông báo không sử dụng bông từ Tân Cương. Ngoài ra, Bộ Thương mại Trung Quốc có thể sẽ sớm áp đặt các hạn chế với hoạt động kinh doanh tại nước này với PVH - “ông chủ” của Tommy Hilfiger và Calvin Klein, vì có động thái tương tự như Uniqlo.
Nếu ông Trump quyết định tăng thuế với hàng hoá Trung Quốc, Bắc Kinh có thể còn đưa ra các động thái căng thẳng hơn nữa để đáp trả. Do đó, những khó khăn của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc sẽ không được giải quyết trong một sớm một chiều.
Tham khảo Economist