Chuyên mục  


Kết quả này vượt xa so với kế hoạch hồi đầu năm (4 tỷ USD) và là mức cao nhất từ trước đến nay, theo thông tin Hiệp hội Rau quả Việt Nam vừa công bố.

Việt Nam xuất khẩu rau quả chủ yếu sang các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan. Trong top 5, chỉ có Mỹ giảm 4% so với cùng kỳ 2022, các thị trường còn lại đều tăng cao.

Trong đó, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt trên 2,75 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao kỷ lục. Tiếp đến là Hà Lan tăng 50%, Hàn Quốc tăng 21%, Nhật Bản tăng 6%. Hiện Trung Quốc là thị trường đứng đầu về thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 65%, tăng 22% so với cùng kỳ 2022.

Trong số các mặt hàng rau quả, sầu riêng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất với 55% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 1,5 tỷ USD. Ngoài ra, xuất khẩu mít, xoài, nhãn, bưởi, dưa hấu của Việt Nam sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan cũng tăng mạnh, dao động 45-150% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sầu riêng tại nhà vườn ở Cần Thơ. Ảnh: Mạnh Khương

Lý giải nguyên nhân rau quả xuất khẩu vượt kế hoạch, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả - cho rằng nhờ ký kết được nhiều nghị định thư xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, trong đó có Trung Quốc. Đặc biệt, sầu riêng là sản phẩm được người tiêu dùng nước này ưa chuộng nên sản lượng xuất khẩu tăng đột biến vài chục lần và trở thành sản phẩm tỷ USD. Đây cũng là loại trái cây giúp kim ngạch rau quả tăng trưởng vượt bậc. Dự kiến đến cuối năm, xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5,5 tỷ USD.

Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, Trung Quốc cũng sắp cho Việt Nam xuất chính ngạch dừa. Đây sẽ là loại trái cây được kỳ vọng nhanh chóng trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ USD thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Khoa cho rằng hiện chỉ khoảng 20 doanh nghiệp có sự đầu tư bài bản, nghiên cứu kỹ về ngành hàng dừa. Các doanh nghiệp nhỏ khác thường không có nghiên cứu sâu về thị trường. Do đó, khi Trung Quốc mở cửa, cần kiểm soát chặt mặt hàng xuất khẩu dừa để đảm bảo uy tín với nước bạn.

Ngoài xuất khẩu, ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả của Việt Nam đang chậm lại. 10 tháng, nhập khẩu rau quả đạt 1,6 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong top 10 thị trường nhập khẩu rau quả, 7 thị trường Việt Nam giảm mua và chỉ nhập tăng các mặt hàng rau quả từ Hàn Quốc, New Zealand và Ấn Độ. Các mặt hàng tăng nhập khẩu từ Ấn Độ như hành tây, cà ri, quế hồi. Đây là những loại mà Việt Nam thiếu hoặc giảm sản lượng so với cùng kỳ 2022.

Thi Hà

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020