Chuyên mục  


Tại buổi họp báo Bộ Công an chiều nay 26-12, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, đã thông tin về vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán trái phép do Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips, SN 1994, trú tại TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) cầm đầu.

anh-chup-man-hinh-2024-12-26-luc-181808-17352118982672136050359-1735222430402-17352224391972021305332.png

TikToker Mr Pips Phó Đức Nam

Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra TP Hà Nội đã thu giữ thêm xe Mercedes G63 cùng 12 tỉ đồng; 18 căn chung cư hoặc biệt thự trị giá hơn 100 tỉ đồng.

"Như vậy, con số thu hồi được trong vụ án được nâng lên khoảng 5.300 tỉ đồng. Ngoài ra, chúng tôi cũng xác định trong tài khoản nước ngoài của các đối tượng có 500.000 USD và còn nhiều tài sản khác. Công an Hà Nội sẽ xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao để tương trợ tư pháp, thu hồi tài sản ở nước ngoài"- Phó giám đốc Công an TP Hà Nội nói.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, một dạng tài sản khác của các đối tượng cũng được công an xác minh là tiền trong các ví điện tử dạng "ví lạnh". Trường hợp các ví lạnh này được mở ra, dùng thanh toán trong nước sẽ bị thu hồi nhưng khó khăn hơn nếu chúng được dùng để mua tiền ảo.

Theo tài liệu điều tra, năm 2021, Nam cấu kết với Ngọ để liên kết với một đối tượng quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ có văn phòng điều hành tại Campuchia, chỉ đạo 7 đối tượng tại Việt Nam lập nhiều công ty "ma" đặt trụ sở tại TP HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành. Trong đó, có 1 công ty tại TP HCM làm "bình phong" và có khoảng 44 văn phòng tại Việt Nam.

Theo Công an TP Hà Nội, mặc dù không đăng ký hoạt động về chứng khoán, tài chính nhưng công ty vẫn tuyển nhân viên hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối. Hằng ngày, có khoảng 1.000 nhân viên làm việc từ 8-21 giờ.

Các đối tượng lập 5 trang mạng có giao diện tiếng Anh để người tham gia hiểu lầm là giao dịch trên các sàn quốc tế, có uy tín, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Các trang này được lập trình, gắn với tài khoản ngân hàng của các đối tượng quản lý.

Mỗi sàn giao dịch được kết nối với ứng dụng MetaTrader 4, MetaTrader 5 - là nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến trên thế giới hiện nay.

Cơ quan điều tra làm rõ các đối tượng tuyển dụng và phân công, phân cấp quản lý nhân viên trong công ty thành nhiều bộ phận gồm kế toán, nhân sự, IT, kinh doanh và chăm sóc khách hàng... Các bộ phận này hoạt động độc lập, hỗ trợ lẫn nhau, tiếp xúc khách hàng qua các mạng xã hội như Zalo, Telegram... để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc cung cấp thông tin sai sự thật khiến khách hàng tin tưởng, chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt.

Theo cơ quan điều tra, ban đầu các đối tượng dụ dỗ khách hàng giao dịch nhiều lần với số tiền thấp, có lãi và rút tiền được, sau đó hướng dẫn, thúc đẩy khách hàng nâng vốn giao dịch. Khi khách hàng thua lỗ, thậm chí hết tiền trong tài khoản thì các đối tượng tiếp tục đưa ra các thông tin sai sự thật cho khách hàng tiếp tục có niềm tin, chuyển tiền để "gỡ", đến khi khách hàng không còn khả năng về tài chính thì các đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách hàng đã chuyển.

Ngày 25-10, Công an TP Hà Nội phối hợp với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an bắt giữ hàng chục đối tượng trong đường dây này.

Đến nay, Công an TP Hà Nội xác định có 2.661 bị hại trên toàn quốc, thu giữ tài sản ước tính 5.200 tỉ đồng. Trong đó, 316 tỉ đồng trong tài khoản; 9 tỉ đồng trái phiếu; 200 tỉ đồng sổ tiết kiệm; 69 tỉ đồng tiền mặt; 890 miếng vàng SJC; 246 kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe; 7 môtô hạng sang; 84 trang sức vàng, khảm kim cương; phong tỏa 125 bất động sản.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020