Chuyên mục  


ttxvngao_xuat_khau.jpgGiá lúa tươi được thương lái thu mua tại ruộng. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Giá gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ ghi nhận tuần sụt giảm thứ ba liên tiếp do nhu cầu yếu, xuất phát từ việc chính phủ nước này gia hạn thuế xuất khẩu 20% đến tháng 3/2024.

Trong tuần này, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đứng ở biên độ 510-520 USD/tấn, so với mức 515-525 USD/tấn vào tuần trước.

Ấn Độ đã thông báo gia hạn mức thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu tới tháng 3/2024 (theo kế hoạch ban đầu, mức thuế này sẽ hết hạn vào ngày 15/10).

Tuần trước, các thương gia dừng mua gạo để chờ xem liệu Chính phủ Ấn Độ có cho phép xuất khẩu gạo miễn thuế sau ngày hết hạn không, hay sẽ gia hạn áp dụng mức thuế trên.

Ong Akash Jhunjhunwala, một nhà xay xát gạo có trụ sở tại Lucknow, Uttar Pradesh (Ấn Độ) cho biết trong tuần này, sau khi thông tin về thuế chính thức được đưa ra, một số nhà giao dịch bắt đầu nối lại hoạt động mua vào, nhưng nhu cầu vẫn thấp hơn nhiều so với bình thường.

Bên cạnh thông báo về thuế xuất khẩu gạo đồ, Chính phủ Ấn Độ cũng tuyên bố sẽ duy trì giá sàn đối với gạo basmati cho đến khi có thông báo mới, trong bối cảnh nước này tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo.

[Giá gạo xuất khẩu tăng sau thông tin Indonesia mua thêm dự trữ]

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm trong tuần này cũng đã giảm về biên độ 575-580 USD/tấn, từ mức giá kỷ lục 580-600 USD/tấn vào tuần trước.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên 625-630 USD/tấn so với mức 615-625 USD/tấn vào tuần trước.

Một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngoài các yếu tố như nhu cầu của thị trường toàn cầu cao và căng thẳng ở Trung Đông, giá gạo của Việt Nam tăng nhẹ trong tuần này khi vụ thu hoạch Hè-Thu đã kết thúc.

Tại Bangladesh, các quan chức nước này cho biết chính phủ quyết định tăng giá thu mua gạo của nông dân trong vụ thu hoạch sắp tới.

Thị trường nông sản Mỹ

Giá đậu tương trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đang hướng tới tuần tăng thứ hai, do tình trạng hạn hán ở Brazil, nhà xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, hỗ trợ xu hướng giá tăng, mặc dù thị trường vừa được bổ sung nguồn cung dồi dào từ vụ mùa thu hoạch mới ở Mỹ.

Trong phiên giao dịch ngày 20/10, giá đậu tương và giá ngô gần như không đổi, trong khi giá lúa mỳ tiến đến tuần tăng thứ ba liên tiếp. Cụ thể, khép phiên, giá lúa mỳ tăng 0,8%, lên 5,985 USD/bushel, giá ngô không đổi ở mức 5,05 USD/bushel và giá đậu tương giảm 0,5 xu USD, xuống còn 13,15 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Một thương nhân có trụ sở tại Singapore cho biết việc vận chuyển ngũ cốc bị gián đoạn ở Brazil do mực nước sông thấp ảnh hưởng đến giao thông vận tải và tình trạng thiếu mưa đã hỗ trợ giá đậu tương hướng tới mức tăng 2,7% trong cả tuần này.

Theo dự báo mới nhất của Liên hợp quốc, hiện tượng thời tiết El Nino sẽ kéo dài ít nhất đến nửa đầu năm 2024, với lượng mưa bất thường trên khắp Mỹ Latinh làm dấy lên lo ngại về nền nông nghiệp của khu vực này.

Thị trường càphê thế giới

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London kéo dài chuỗi tăng. Giá càphê Robusta giao kỳ hạn tháng 1/2024 tăng 77 USD, lên 2.479 USD/tấn và càphê Robusta giao tháng 3/2024 tăng 79 USD, lên 2.422 USD/tấn. Khối lượng giao dịch rất lớn.

Tương tự, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York cùng xu hướng tăng. Giá càphê Arabica giao kỳ hạn tháng 12/2023 tăng thêm 1,30 xu Mỹ, lên 165,25 xu USD/lb và càphê Arabica giao tháng 3/2024 tăng 2,60 xu USD, lên 164,40 xu USD/lb.

Tại các tỉnh Tây nguyên, giá càphê nhân xô tăng 1.400-1.500 đồng, lên dao động trong khung 59.300-59.900 đồng/kg.

Diệu Linh (TTXVN/Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020