Chuyên mục  


Đây là kết quả Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố ngày 12/12.

Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng hoạt động trung bình Đông Nam Á là 46,3%. Tại Việt Nam, con số này là hơn 56%. So với năm 2023, kết quả này giảm 0,6 điểm phần trăm nhưng là mức cao nhất khu vực và vượt qua Lào - quốc gia dẫn đầu năm ngoái.

Phân theo nhóm ngành, trên 48% doanh nghiệp ngành chế tạo muốn mở rộng, lĩnh vực khác (63%). Riêng tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành thiết bị điện, điện tử và vận tải có ý định này tăng đến 20 điểm. Toàn bộ doanh nghiệp bán lẻ và kinh doanh ăn uống của Nhật ở Việt Nam được hỏi đều muốn tăng hiện diện.

Khách đến mua sắm khi cửa hàng thứ 26 của Uniqlo khai trương tại Quận 8, TP HCM, ngày 8/11. Ảnh công ty cung cấp

Các doanh nghiệp cho hay việc họ tính đầu tư thêm trong 1-2 năm tới do nhu cầu thị trường nội địa mở rộng và xuất khẩu tăng. Tương tự các năm trước, họ tập trung nâng cao, mở rộng dịch vụ bán hàng, tiếp theo là tăng tính đa dạng và giá trị gia tăng cao của sản phẩm.

Năm nay, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam cải thiện. Gần 49% dự báo hoạt động kinh doanh sẽ cải thiện so với 2023, tăng 16,8 điểm và đứng đầu ASEAN. Cùng với đó, tỷ lệ kỳ vọng có lãi là 64,1%, tăng 9,8 điểm. Lần đầu tiên sau 5 năm, tỷ lệ này vượt trên 60%.

Tình hình khả quan giúp các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam dự kiến tăng lương trung bình 5,4% năm nay. "Mức lương tại Việt Nam thuộc nhóm trung bình trong khu vực, nhưng tỷ lệ tăng lương lại ở nhóm cao nhất", báo cáo nêu.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Nhật Bản đứng thứ năm trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 11 tháng đầu năm, với vốn đăng ký hơn 3,61 tỷ USD, chiếm gần 11,5% tổng vốn đầu tư.

Viễn Thông

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020