Cuối tháng 11/2024, Quốc hội quyết nghị tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng. Theo kế hoạch của Chính phủ hồi cuối 2009, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy Ninh Thuận 1 và 2, tổng công suất 4.000 MW (2x2.000 MW).
Báo cáo tại hội nghị về phát triển nguồn nhân lực cho điện hạt nhân ngày 2/1, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết nhu cầu nhân lực vận hành nhà máy điện hạt nhân với 2 tổ máy (công suất 2.000 MW) là khoảng 600-1.200 người. Con số này dựa trên khuyến cáo của Tổ chức năng lượng nguyên tử (IAEA) và một số tập đoàn, cơ quan về điện hạt nhân. Trong đó, có những người ở vị trí quan trọng cần được đào tạo và có kinh nghiệm thực tiễn từ 5-10 năm.
Với Việt Nam, theo ông Hùng, nhu cầu nhân lực cần tới 1.200 người một nhà máy. Số này đảm bảo cho các vị trí như kiểm soát an toàn và bảo vệ bức xạ, quản lý dự án, nhà máy, vận hành khai thác - điều hành các lò, bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật.
Như vậy, trường hợp tái triển khai cả hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (công suất 2x2.000 MW), nhu cần nhân lực tương ứng là 2.400 người.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm một số quốc gia đã phát triển loại năng lượng này, Việt Nam còn cần khoảng 350 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành luật về hạt nhân, chuyên gia nghiên cứu và phát triển (R&D)... Những nhân lực này nhằm phục vụ nghiên cứu, quản lý, vận hành, khai thác, đảm bảo an toàn cho nhà máy.
"Số lượng nhân lực nêu trên chưa tính đến nhu cầu cho quản lý Nhà nước, nghiên cứu viên tại các viện, giảng viên trong các cơ sở giáo dục", ông Hùng nói thêm.
Theo ông, bình quân 12 lao động trong ngành điện hạt nhân cần có tương ứng 1 nghiên cứu viên; 20 sinh viên ứng với 1 giảng viên. Tổng nhu cầu nhân lực cho nhóm này khoảng 250 người.
Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội nghị, ngày 2/1. Ảnh: Moit
PGS. TS Đinh Văn Châu (Hiệu trưởng Đại học Điện lực) cho biết theo thông lệ quốc tế nhà máy điện hạt nhân 1 tổ máy (công suất 1.000 MW) cần 700-750 người. Nếu tăng lên 2-3 tổ máy, một dự án cần khoảng 600-1.000 nhân lực. Số này được chia ở các bộ phận khác nhau, gồm an toàn, pháp chế, vận hành.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Vụ Khoa học và Công nghệ, hiện nguồn nhân lực về điện hạt nhân của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là các nhà khoa học. Số người có trình độ về loại năng lượng này chủ yếu làm việc tại các cơ quan của Bộ Khoa học và Công nghệ, một số trường đại học, viện nghiên cứu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Cùng với đó, số giảng viên đào tạo lĩnh vực này còn ít, trong khi cơ sở vật chất, thiết bị cho nghiên cứu, giảng dạy thiếu và lạc hậu.
Thực tế, năm 2010 - thời điểm nghiên cứu hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận - Thủ tướng đã duyệt Đề án đào tạo và phát triển nhân lực về năng lượng nguyên tử đến 2020. Theo đề án này đến 2020, cả nước có khoảng 2.400 kỹ sư, 350 thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành điện hạt nhân, trong đó khoảng 13% được đào tạo tại nước ngoài...
Song theo báo cáo của EVN, giai đoạn đến 2017 (trước khi dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận), Việt Nam cử 429 sinh viên, EVN có 31 cán bộ đi học các chuyên ngành về điện hạt nhân tại Nga. 24 kỹ sư được cử đi đào tạo tại Nhật Bản. Nhưng hiện chỉ còn số ít trong số nhân lực nêu trên làm việc tại EVN, còn phần lớn ở nước ngoài hoặc chuyển sang các lĩnh vực khác.
Cùng với việc khởi động lại dự án, phát triển nhân lực cho điện hạt nhân Ninh Thuận là một trong những nhiện vụ trọng tâm, quyết định thành công của dự án này, theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Vì thế, ông Diên cho rằng Việt Nam cần chủ động từ sớm, từ xa nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, kỹ thuật cho phát triển dự án điện hạt nhân. "Không chỉ dừng lại ở dự án mà là hệ sinh thái và công nghệ điện hạt nhân trong tương lai", ông nói thêm.
Ông đề nghị các đơn vị trong quý I phải hoàn thành kế hoạch về nhu cầu, quy mô lĩnh vực chuyên môn cần đào tạo cho chương trình điện hạt nhân. Cùng với đó, các cơ quan này cần tham mưu cấp có thẩm quyền cơ chế hỗ trợ các cơ sở đào tạo, người lao động làm việc tại các nhà máy điện hạt nhân.
"Bộ Công Thương sẽ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra chương trình đào tạo chuẩn cho nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân", Bộ trưởng nói.
Phương Dung