Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tháng 11 bật đèn xanh cho Ukraine dùng tên lửa đạn đạo ATACMS tập kích vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Sau loạt vụ phóng đầu tiên ngày 19/11/2024, Ukraine bắt đầu giảm tần suất sử dụng loại vũ khí này.
Truyền thông Mỹ cuối tháng trước nhận định Ukraine đang cạn dần tên lửa tầm xa do phương Tây viện trợ, gồm ATACMS và Storm Shadow. Kiev cũng có thể sắp hết cơ hội sử dụng, khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump công khai chỉ trích động thái gỡ rào vũ khí cho Ukraine là "quyết định ngu ngốc".
Tên lửa ATACMS Ukraine khai hỏa nhằm vào lãnh thổ Nga đêm 19/11/2024. Video: Telegram/Lachen Pyshe
Tổng thống Joe Biden hồi đầu năm quyết định chuyển tên lửa đạn đạo ATACMS có tầm bắn 300 km cho Ukraine, sau khi chịu nhiều sức ép từ đồng minh. Các quan chức Mỹ tiết lộ Washington khi đó đã chuyển cho Kiev tổng cộng khoảng 500 tên lửa ATACMS rút từ kho dự trữ của quân đội.
Ukraine lúc này chưa được dùng tên lửa ATACMS tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga, họ phóng chúng vào các vị trí trên bán đảo Crimea và 4 tỉnh Moskva tuyên bố sáp nhập cuối năm 2022 gồm Lugansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson.
Các quan chức Mỹ và NATO nhận định những vụ tập kích này đạt hiệu quả, nhưng cho rằng quân đội Ukraine đáng lẽ nên thận trọng hơn khi chọn lựa mục tiêu và số lượng tên lửa triển khai, ám chỉ rằng Kiev đã sử dụng tên lửa một cách quá lãng phí.
Mảnh tên lửa ATACMS tại căn cứ không quân ở tỉnh Kursk trong ảnh công bố ngày 26/11/2024. Ảnh: BQP Nga
Ngày 17/11/2024, Tổng thống Biden quyết định gỡ rào cho Kiev. "Đến khi được bật đèn xanh, Ukraine chỉ còn vài chục tên lửa tầm xa, có thể là khoảng 50 quả", hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Ukraine còn đối mặt nguy cơ không được viện trợ thêm tên lửa do Mỹ phải duy trì kho dự trữ tối thiểu, bảo đảm phân bổ nguồn cung cho lực lượng triển khai ở Trung Đông và châu Á.
Sau khi Mỹ bật đèn xanh với tên lửa ATACMS, Anh cũng đưa ra quyết định tương tự cho tên lửa hành trình Storm Shadow. Tuy nhiên, một số quan chức Anh gần đây tiết lộ London không còn nhiều tên lửa Storm Shadow để viện trợ Kiev.
Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: RYV
Bộ Quốc phòng Nga và các blogger quân sự nước này ước tính Ukraine đã phóng ít nhất 39 tên lửa ATACMS và 14 quả đạn Storm Shadow vào sâu trong lãnh thổ Nga kể từ khi được gỡ hạn chế. Giới chức Ukraine và Mỹ không xác nhận hay bác bỏ những con số này.
Các quan chức và chuyên gia phương Tây nhận định trận tập kích gây thiệt hại nặng nhất là vụ tên lửa Storm Shadow đánh trúng sở chỉ huy Nga gần Maryino, tỉnh Kursk, ngày 20/11/2024.
Một ngày sau, Nga phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu vượt âm Oreshnik vào Nhà máy Chế tạo máy phương Nam, cơ sở chuyên sản xuất tên lửa đẩy, tên lửa đạn đạo và nhiên liệu lỏng cho tên lửa của Ukraine. Vụ tập kích được cho là lời cảnh báo của Nga với phương Tây.
Trong khoảng hai tuần sau đó, Ukraine không phóng tên lửa ATACMS hoặc Storm Shadow vào lãnh thổ Nga. Theo giới chuyên gia, Ukraine giảm tần suất khai hỏa do họ muốn nhắm vào các mục tiêu đã chú ý từ lâu và phải tiết kiệm số đạn ít ỏi còn lại.
"Ukraine quyết định chờ đợi và tìm kiếm mục tiêu có giá trị cao, đó là điều tất nhiên. Chúng tôi cần duy trì năng lực này và sử dụng tên lửa tầm xa một cách thận trọng, khôn ngoan", Mykola Bielieskov, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia của chính phủ Ukraine, cho biết.
Tên lửa Storm Shadow lắp dưới cánh cường kích Su-24 Ukraine. Ảnh: BQP Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga ngày 11/12/2024 thông báo Ukraine phóng 6 tên lửa ATACMS vào căn cứ không quân ở thành phố miền nam Taganrog và một cảng ven biển Azov. Quân đội Nga sau đó phóng 93 tên lửa và gần 200 máy bay không người lái (UAV) vào hạ tầng năng lượng của Ukraine để đáp trả.
Ukraine ngày 18/12 phóng 6 tên lửa ATACMS và 4 quả Storm Shadow vào cơ sở công nghiệp hóa chất lớn nhất Nga tại tỉnh Rostov. Lực lượng Nga hai ngày sau phóng loạt tên lửa đạn đạo Iskander-M và siêu vượt âm Kinzhal nhằm vào các mục tiêu ở thủ đô Kiev của Ukraine để trả đũa.
Tổng thống Vladimir Putin từng cảnh báo nước này sẽ phóng tên lửa Оreshnik nhằm vào "các trung tâm đầu não ra quyết định" tại Kiev nếu Ukraine tiếp tục tập kích lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa do phương Tây viện trợ, nhưng quân đội Nga tới nay chưa làm điều này.
"Moskva đang phản ứng thận trọng, có thể không phản ứng với các vụ tập kích bằng tên lửa ATACMS theo cách có thể khiến Washington can dự sâu hơn vào chiến sự hoặc gây khó cho chính quyền mới của ông Trump", một quan chức Mỹ nhận định.
Nguyễn Tiến (Theo GWire, AFP, AP)