Chuyên mục  


Chiến sự Nga - Ukraine được ví như cuộc đối đầu giữa các lực lượng pháo binh, thậm chí là "cuộc chiến đạn pháo". Bên nào có nguồn cung đạn pháo ổn định cho các khẩu pháo cỡ nòng lớn nhất sẽ giành được lợi thế trước khi xe tăng chủ lực hoặc thiết giáp xung trận.

Nhu cầu sử dụng đạn pháo 155 mm theo chuẩn NATO của Ukraine hiện vượt quá khả năng đáp ứng của phương Tây. Đây được coi là một trong những lý do khiến Lữ đoàn Phòng vệ Lãnh thổ số 241 của Ukraine lắp pháo phòng không KS-19 lên xe tải để tạo ra mẫu pháo tự hành mới.

Pháo phòng không KS-19 được Liên Xô phát triển từ những năm 1940 và biên chế năm 1947, sử dụng đạn cỡ 100 mm. Trong thời đại của tên lửa phòng không hiện nay, các khẩu pháo phòng không này đã trở nên lỗi thời và gần như không còn được sử dụng trên chiến trường, khiến lượng đạn tồn dư rất lớn.

Dù vậy, KS-19 được nhận định là "mẫu pháo cũ nhưng không tồi". Khi sử dụng để tấn công mục tiêu mặt đất, pháo có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 21 km, có khả năng khai hỏa với tốc độ 15 phát/phút.

Việc biến KS-19 thành pháo tự hành cho phép Lữ đoàn 241 tận dụng kho đạn cũ, tránh cạnh tranh nguồn cung với các lữ đoàn khác đang cần đạn cho pháo 155 mm.

Binh sĩ lữ đoàn 241 Ukraine vận hành pháo KS-19 được lắp trên xe tải. Ảnh: BQP Ukraine

Lắp KS-19 lên khung gầm xe tải cũng giải quyết nhược điểm về khả năng cơ động kém của mẫu pháo này. KS-19 vốn là pháo kéo, trình triển khai trận địa, khai hỏa rồi thu hồi có thể kéo dài vài phút, nguy cơ khiến kíp xạ thủ bị đối phương phản pháo.

"KS-19 có khả năng tấn công hiệu quả thiết giáp hạng nhẹ và các mục tiêu mặt đất khác", Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ năm 1969 đưa ra nhận định về mẫu pháo này.

Quân đội Ukraine kế thừa một lượng pháo KS-19 đáng kể từ thời Liên Xô, chúng được niêm cất trong kho tới khi xung đột giữa nước này với Nga bùng phát hồi tháng 2/2022. Ukraine ban đầu dường như chỉ sử dụng KS-19 để huấn luyện xạ thủ, trước khi lực lượng quân khí tìm cách lắp mẫu pháo này lên xe tải.

Mẫu pháo KS-19 tự hành dùng chung khung gầm và về cơ bản giống 2S22 Bohdana, pháo tự hành dùng đạn 155 mm chuẩn NATO do Ukraine phát triển. Cả hai mẫu pháo đều nạp đạn thủ công và kíp vận hành sử dụng máy bay không người lái cỡ nhỏ để phát hiện mục tiêu.

Chưa rõ quân đội Ukraine sẽ biến bao nhiêu khẩu KS-19 thành pháo tự hành. Lữ đoàn 241 có thể đang vận hành ít nhất hai tổ hợp KS-19 tự hành.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP

Nguyễn Tiến (Theo Forbes)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020