Chuyên mục  


Hàng Châu, thành phố 12,5 triệu dân, quê hương của tập đoàn công nghệ khổng lồ Alibaba và nhà sản xuất xe điện Geely, bắt đầu nới lỏng hạn chế trong thị trường bất động sản kể từ đầu năm 2022. Tháng 10/2023, thành phố dỡ hạn chế ở đa số các quận nội thành và tháng 3 năm nay, tiếp tục nới hạn chế với người mua nhà thứ hai.

Khu nhà ở đang xây dựng ở thành phố Hàng Châu ngày 9/5. Ảnh: AFP

Từ ngày 9/5, chính quyền thành phố ngừng kiểm tra hồ sơ an sinh xã hội hoặc hộ khẩu của người mua nhà cũng như các giấy tờ khác, theo thông báo của Phòng Quản lý Bất động sản Hàng Châu.

Theo hệ thống của Trung Quốc, mỗi công dân chỉ được đăng ký một nơi cư trú và hưởng chính sách phúc lợi, dịch vụ công cộng tùy nơi đăng ký hộ khẩu. Trước đây, người dân muốn mua nhà ở Hàng Châu phải đáp ứng các điều kiện nhất định về hộ khẩu và điểm tín dụng để ngăn tình trạng sốt giá hoặc đầu cơ.

Tây An, thành phố phía tây bắc Trung Quóc với dân số 13 triệu người, cũng công bố động thái tương tự ngày 9/5. Những thành phố khác đang từng bước áp dụng các chính sách nới lỏng quy định mua bán nhà.

Thành Đô, thành phố có 21,4 triệu dân, tuần trước thông báo dỡ bỏ hoàn toàn mọi hạn chế mua nhà bắt đầu từ 29/4. Chính quyền sẽ không xem xét người mua có đủ điều kiện hay không dựa trên hộ khẩu, an sinh xã hội và một số tiêu chuẩn khác. Thành Đô cũng không hạn chế số lượng nhà mà một người được mua.

Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, cũng bỏ hạn chế mua nhà từ tháng trước.

Thị trường bất động sản Trung Quốc rơi vào khủng hoảng kể từ năm 2020, khi nước này muốn giảm rủi ro hệ thống bằng chính sách hạn chế khả năng vay mới của các công ty bất động sản đang vay nợ nhiều. Chính sách này dẫn tới sự sụp đổ của Evergrande, công ty bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc. Nhiều công ty bất động sản lớn khác cũng vỡ nợ, để lại hàng triệu căn hộ xây dở.

Bắc Kinh đang nỗ lực kiềm chế cuộc khủng hoảng bất động sản, thứ trở thành lực cản lớn với nền kinh tế và khơi dậy làn sóng phản đối của những người mua nhà trên toàn quốc.

Tuy nhiên, các biện pháp kích thích đã triển khai cho tới nay như cắt giảm lãi suất vay thế chấp, từng bước nới lỏng hạn chế mua nhà, đều không có tác dụng vực dậy ngành bất động sản do nhu cầu vẫn yếu.

Tuần trước, Bộ Chính trị Trung Quốc đã cam kết đưa ra những biện pháp mới để giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản, trong đó cho phép các thành phố áp dụng chính sách riêng để giảm lượng nhà tồn kho. Tuy vậy, khảo sát do UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ và cũng là ngân hàng tư nhân lớn nhất thế giới, công bố ngày 8/5 cho thấy phần lớn người Trung Quốc vẫn chưa có ý định mua nhà.

Tỷ lệ người dự định mua nhà trong hai năm tới vẫn ở mức thấp là 23%, tương đương mức tháng 3/2023. Tỷ lệ người không có kế hoạch mua nhà là 47%, mức cao chưa từng có.

"Trong tương lai, công việc thăng tiến và tăng lương vẫn là yếu tố hàng đầu thúc đẩy niềm tin với những người chưa có ý định mua nhà", UBS cho hay.

Các nhà phân tích kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sớm tung ra gói cứu trợ bất động sản bằng cách cho phép chính quyền địa phương mua lại bất động sản tồn đọng.

"Bộ Chính trị Trung Quốc đã thống nhất hỗ trợ nhiều hơn cho bất động sản, ưu tiên giảm lượng nhà tồn kho hiện có", UBS nói. "Chính sách này cho thấy có thể sẽ có thêm chính quyền địa phương được phép trực tiếp mua nhà từ thị trường làm nhà ở xã hội".

Hồng Hạnh (Theo CNN)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020