Chuyên mục  


Chị Loan, 50 tuổi, quyết định ở lại Hà Nội chăm sóc cụ ông 79 tuổi bị tai biến với mức thu nhập 1,2 triệu đồng/ngày, gấp đôi ngày thường. Công việc của chị kéo dài 24 giờ, từ hỗ trợ ăn uống, vệ sinh cá nhân, đến dìu cụ vào nhà vệ sinh và đưa trở lại giường. Ban đêm, cụ ông thường ho nhiều, khiến chị phải thức dậy hơn chục lần để lau miệng, xoa lưng, vỗ rung long đờm.

"Về quê cũng không kiếm được tiền, nên tôi cố gắng ở lại thủ đô làm việc, được đồng nào hay đồng đó", chị Loan chia sẻ. Đây là năm thứ hai chị không về quê ăn Tết để tranh thủ kiếm thêm thu nhập.

Tương tự, chị Thảo, 49 tuổi, quê Thái Bình, đã gắn bó với nghề chăm sóc người bệnh tại Hà Nội suốt 5 năm qua. Ban đầu, chị làm giúp việc cho một gia đình giàu có, sau đó chuyển sang chăm sóc cụ bà bị đột quỵ, liệt toàn thân. Công việc đòi hỏi chị phải hỗ trợ toàn diện, từ thay tã, vệ sinh cá nhân, đến tập vật lý trị liệu. Nhờ sự tận tâm, cụ bà dần hồi phục.

Một bệnh nhân già yếu được chăm sóc tại bệnh viện, Ảnh: Thúy Quỳnh

Nhận thấy nhu cầu cao và tiềm năng của nghề, chị Thảo tham gia một công ty dịch vụ chuyên đào tạo kỹ năng chăm sóc người bệnh. Mức lương ngày thường dao động từ 300.000-600.000 đồng/ngày, nhưng dịp Tết có thể tăng gấp đôi, thậm chí được thưởng thêm nếu làm tốt. Hiện, chị chăm sóc cụ bà bị tai biến và di chứng phổi.

"Tôi xem bệnh nhân như người thân để gắn bó lâu dài. Dù Tết không về quê cũng buồn, nhưng vì thu nhập cao, tôi chấp nhận", chị bộc bạch.

Hiện chưa có thống kê về số người ở lại gia đình hoặc bệnh viện xuyên Tết để chăm sóc người bệnh, nhưng đại diện một số bệnh viện cho biết dịch vụ này tăng theo các năm, đặc biệt bệnh viện có bệnh nhân cao tuổi như Viện Lão khoa Trung ương, Việt Xô, Bạch Mai, Bệnh viện Thống Nhất, Nhân dân 115, Ung bướu, Chợ Rẫy...

Theo ông Nguyễn Minh Tâm, nhà sáng lập Wecare 247 - một công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, khoảng 50% nhân viên của công ty đăng ký ở lại làm việc xuyên Tết. Mức giá dịch vụ ngày thường dao động từ 500.000-700.000 đồng/ngày, nhưng trong 10 ngày Tết (từ 25 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), giá tăng gấp đôi, lên 1-2 triệu đồng/ngày.

Tại Hà Nội, chi phí chăm sóc người già yếu hoặc mắc các bệnh như xương khớp, ung thư ngày thường khoảng 300.000-400.000 đồng/ngày. Với bệnh nhân cần hỗ trợ đặc biệt như ăn qua ống xông hoặc mất kiểm soát vệ sinh, giá tăng lên 500.000-600.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, dịp Tết, mức giá này tăng lên 1-1,2 triệu đồng/ngày. Tại TP.HCM, giá dịch vụ ngày thường dao động từ 400.000-600.000 đồng/ngày, dịp Tết có thể tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi.

Các chuyên gia nhìn nhận giá thành cao song tương xứng với sức lao động. Đại diện Bệnh viện Hữu Nghị nhận định người chăm sóc được thuê thông qua dịch vụ uy tín hoặc có liên kết với các bệnh viện lớn, nhân viên có kiến thức và kỹ năng tâm lý, chăm sóc cẩn thận hơn.

Với những dịch vụ hình thành tự phát hoặc thuê đơn lẻ qua mạng xã hội, giới thiệu... khó quản lý. Nhiều người không nắm rõ tình trạng bệnh nhân, dẫn đến không cung cấp thông tin kịp thời cho bác sĩ. Họ cũng dễ cáu giận, chăm sóc qua loa, không động viên và bao dung với người ốm, khiến tinh thần bệnh nhân thêm sa sút.

Bởi vậy, nhiều gia đình vẫn cho rằng tuy giá cao nhưng vẫn "khó tìm người ưng ý". Như anh Tiến, 45 tuổi, đăng bài lên mạng xã hội một tuần nay, trả 20 triệu đồng trong 10 ngày Tết chăm mẹ già ốm nhưng vẫn chưa tìm được.

"Người đầu tiên thao tác lóng ngóng, sức yếu, sau một đêm thức trắng có vẻ mệt mỏi, người nhà phải hỗ trợ. Người thứ hai thì tự nghỉ do cảm thấy công việc vất vả khiến họ thiếu kiên nhẫn, không vui vẻ. Còn người thứ ba thuê qua công ty dịch vụ thì không làm việc nhà, trong khi ngày Tết gia đình tôi bộn bề", anh bộc bạch.

Chăm sóc người già yếu không chỉ vất vả mà cần kỹ năng, sự kiên nhẫn. Ảnh: Ngọc Thành

Công việc chăm sóc người bệnh không chỉ đòi hỏi sức lực mà còn cần kỹ năng và sự kiên nhẫn. Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, việc giá dịch vụ tăng cao dịp Tết là điều tất yếu, bởi người lao động phải làm việc trong ngày lễ, khi nhu cầu tăng đột biến. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra gánh nặng tài chính cho nhiều gia đình, đặc biệt trong bối cảnh chi phí sinh hoạt dịp Tết đều tăng.

Ngoài ra, chất lượng dịch vụ không đồng đều cũng là vấn đề đáng lo ngại. Những người chăm sóc được thuê qua các công ty uy tín thường có kỹ năng và thái độ chuyên nghiệp hơn. Trong khi đó, các dịch vụ tự phát hoặc thuê qua mạng xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều người không nắm rõ tình trạng bệnh nhân, dẫn đến việc chăm sóc qua loa, thiếu trách nhiệm, thậm chí gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và sức khỏe của người bệnh.

Để giảm áp lực chi phí và đảm bảo chất lượng dịch vụ, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, khuyến nghị các gia đình nên thống nhất kế hoạch chăm sóc và chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên. Việc đặt dịch vụ sớm cũng giúp tránh tình trạng "cháy người" và giá tăng đột biến.

Về phía các bệnh viện, cần thiết lập khung giá hợp lý trong dịp lễ Tết để đảm bảo quyền lợi cho cả người lao động và gia đình bệnh nhân. Một số cơ sở công đã triển khai mô hình dịch vụ chăm sóc người bệnh tại nhà hoặc bệnh viện với giá cả được kiểm soát chặt chẽ, tránh tăng giá vô lý. Người dân có thể tìm hiểu thông tin từ các cơ sở có chuyên môn này để thuê được người phù hợp với chi phí hợp lý.

Thúy Quỳnh - Lê Phương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020