"Nga có đủ các loại đạn chùm trong kho dự trữ. Nếu họ dùng loại vũ khí này chống lại chúng tôi, Nga bảo lưu quyền đáp trả tương ứng", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói ngày 16/7.
Lãnh đạo Nga cho biết thêm nước này chưa sử dụng đạn chùm trong xung đột ở Ukraine dù có lúc thiếu hụt đạn dược. Tuy nhiên, Ukraine và Tổ chức Giám sát Nhân quyền trước đó cáo buộc Nga đã khai hỏa đạn chùm trên chiến trường.
Quân đội Ukraine hôm 13/7 nói rằng đã nhận được đạn chùm do Mỹ viện trợ. Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi đây là quyết định "rất khó khăn", song nhấn mạnh Ukraine cần thêm đạn được để bổ sung vào kho dự trữ đã cạn kiệt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin họp trực tuyến với Hội đồng An ninh tại Moskva hôm 14/7. Ảnh: AFP
Lực lượng Ukraine cho biết lãnh đạo cấp cao sẽ quyết định "các khu vực có thể sử dụng đạn chùm", đồng thời nhấn mạnh "đây là loại vũ khí rất uy lực". Ukraine cũng lưu ý các hạn chế đối với việc sử dụng đạn chùm, nói rằng vũ khí này bị cấm sử dụng ở khu vực đông dân cư, ngay cả những khu vực Nga đang kiểm soát.
Hơn 100 quốc gia đã ký Công ước về Bom, Đạn chùm (CCM), trong đó cấm sản xuất, tích trữ, sử dụng và chuyển giao loại vũ khí này. Mỹ, Nga và Ukraine không ký kết CCM.
Đạn chùm không gây sát thương bằng thuốc nổ hoặc đầu đạn xuyên phá thông thường, mà chứa lượng lớn đạn con được phát tán khi đến gần mục tiêu. Cơ chế này cho phép một quả đạn mẹ rải hàng trăm đến hàng nghìn đạn con trên diện rộng, hiệu quả sát thương cao hơn nhiều so với đạn pháo hoặc rocket nổ mảnh thông thường.
Một số quả đạn con có thể gặp trục trặc với ngòi nổ, khiến chúng không kích hoạt và rơi rải rác mà không có bất cứ bản đồ đánh dấu nào. Những đạn con này vẫn giữ nguyên cơ chế kích hoạt và có thể phát nổ khi ai đó chạm vào, ngay cả khi chiến sự đã kết thúc nhiều năm.
Cách thức hoạt động của đạn chùm. Bấm vào hình để xem chi tiết.
Ngọc Ánh (Theo AFP)