"Không quân Mỹ ban đầu đặt yêu cầu phát triển tiêm kích thay thế dòng F-22, đó là những gì chúng tôi theo đuổi vài năm qua. Bây giờ là thời điểm quyết định sẽ tiếp tục dự án, hoàn thiện thiết kế và bắt đầu sản xuất hay chấm dứt hoàn toàn chương trình. Đó là cột mốc quan trọng nhất với gần như mọi dự án quân sự", Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall cho biết hôm 13/1.
Phát biểu đề cập dự án phát triển tiêm kích thế hệ thứ 6 thuộc chương trình Hệ thống Làm chủ Bầu trời Thế hệ mới (NGAD). Không quân Mỹ hồi năm ngoái thông báo đình chỉ quá trình nghiên cứu NGAD và bắt đầu giai đoạn đánh giá toàn diện về các mục tiêu, yêu cầu liên quan.
Bộ trưởng Kendall cho biết không quân Mỹ phải cân nhắc lại dự án vì vấn đề ngân sách. "Sẽ cần thêm hơn 20 tỷ USD để hoàn tất nghiên cứu và phát triển, rồi sau đó phải mua máy bay mới với giá đắt gấp nhiều lần một chiếc F-35 và số lượng nhỏ hơn nhiều", ông nói.
Mô phỏng tiêm kích thế hệ 6 trong chương trình NGAD của Mỹ. Đồ họa: USAF
Chưa rõ không quân Mỹ đã chi bao nhiêu tiền cho chương trình NGAD. Quân chủng này đề nghị cấp 1,9 tỷ USD trong năm tài khóa 2024 và gần 2,75 tỷ USD cho năm 2025 cho chương trình NGAD, trong đó hơn một tỷ USD nhằm giảm thiểu rủi ro và chi cho các công việc phát triển khác.
Ông Kendall vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục triển khai NGAD với những yêu cầu và mục tiêu mới. "Giải pháp thay thế có thể là mẫu máy bay nối tiếp dòng F-35, thay vì thế chỗ của F-22. Mẫu máy bay mới sẽ có thể rẻ hơn nhiều, đa chức năng và tối ưu cho nhiệm vụ điều khiển máy bay không người lái (UAV) trợ chiến", ông nói.
Theo Bộ trưởng Kendall, không quân Mỹ còn phương án khác là tăng cường năng lực tấn công tầm xa, do đây là lựa chọn tương đối rẻ, hợp lý hơn và đáng để cân nhắc. Tuy nhiên, ông không giải thích về phương tiện thay thế cho tiêm kích NGAD trong nhiệm vụ này.
Không quân Mỹ từng công bố kế hoạch mua khoảng 200 máy bay NGAD để thay thế phi đội F-22 hiện có với quy mô tương tự. Bộ trưởng Kendall cho biết giá mỗi chiếc NGAD có thể lên tới 300 triệu USD, đắt gấp ba lần giá trung bình của F-35 và gần mức giá của F-22.
Các quan chức không quân Mỹ, đặc biệt là ông Kendall, nhiều lần đề cập khả năng thay thế tiêm kích trong chương trình NGAD bằng máy bay có chi phí thiết kế thấp hơn và tập trung vào khả năng điều khiển UAV trợ chiến.
Cách tiếp cận này cho phép máy bay tối đa hóa nhiên liệu mang theo, cũng như tận dụng mạng lưới kết nối vũ khí và cảm biến trên UAV mà phương tiện đó điều khiển. Điều này giúp tạo ra mẫu máy bay có người lái với kích thước nhỏ và ít tốn kém hơn.
UAV XQ-58A (trái), tiêm kích F-35 (giữa) và tiêm kích F-22 trong cuộc thử nghiệm tháng 12/2020. Ảnh: USAF.
Bộ trưởng Không quân Mỹ nhận định quân chủng này còn cần máy bay tiếp dầu thế hệ mới, do các phương tiện hiện có trong biên chế đều phát triển từ máy bay thông thường, ngày càng dễ bị tổn thương trước những hệ thống phòng không tầm xa hoặc cực xa.
Năm ngoái, ông Kendall bày tỏ lo ngại khả năng không quân Mỹ phải chi trả cho tiêm kích NGAD, UAV trợ chiến và tiếp dầu tàng hình, trong khi vẫn cần dành tiền cho các dự án quan trọng khác như oanh tạc cơ B-21 Raider và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) LGM-35 Sentinel.
Theo ông Kendall, chi phí tăng vọt của chương trình Sentinel là động lực chính khiến không quân Mỹ xem xét lại kế hoạch phát triển NGAD. Sau loạt cuộc thảo luận diễn ra trong nhiều tháng, các chuyên gia và cựu tham mưu trưởng quân đội Mỹ nhận định có những chương trình mà không quân phải ưu tiên.
"Quyết định cuối cùng dựa vào hai vấn đề, một là có đủ ngân sách để chi cho cả NGAD lẫn những thứ cần thiết khác hay không, hai là NGAD có đáng để mua hay không", ông nói.
NGAD là tiêm kích đầu tiên được Mỹ thiết kế trong 20 năm qua, kể từ khi dự án Tiêm kích Tấn công Liên quân (JSF) được công bố và dẫn tới sự ra đời của F-35. Không quân Mỹ đã chế tạo và bí mật thử nghiệm nguyên mẫu hoàn chỉnh với kích cỡ thật hồi năm 2020.
Nguyễn Tiến (Theo War Zone, AFP, AP)