Chuyên mục  


Theo cách tiêu thụ rau, hoa truyền thống, người sản xuất rau, hoa phục vụ thị trường Tết tại TP Đà Lạt và một số huyện lân cận như Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng… thường gửi sản phẩm làm ra cho các đầu mối tại TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Giá rau, hoa bán lẻ tới tay người tiêu dùng lên xuống theo ngày.

canhbaoluadao1-1736894090316-1736910317991-17369103183251610880851.jpg

Người trồng hoa Tết tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Ràng buộc giữa người cung cấp sản phẩm (nông dân) và đầu mối nhận tiêu thụ (thương nhân) chủ yếu dựa trên niềm tin sau thời gian dài làm ăn. 

Cuối mỗi ngày, giá rau, hoa bán ra thị trường bao nhiêu chủ đầu mối sẽ gọi điện báo về cho người cung cấp biết để chốt sổ. Hai bên thống nhất hoạch toán, chuyển tiền theo định kỳ, thường là kết thúc vụ hoa Tết. 

Người mua bán rau, hoa tại Lâm Đồng gọi đây là hình thức kinh doanh dưới dạng ký gửi. Lợi dụng sự cả tin của người cung cấp rau, hoa dịp Tết, không ít đối tượng nhận sản phẩm về bán, thu tiền xong liền “bùng”. 

Khi bị hại tìm tới mới hay địa điểm kinh doanh của người nhận tiêu thụ hoa đã trả mặt bằng, chủ vựa chuyển đi đâu không ai rõ. Với thủ đoạn trên, có trường hợp người trồng hoa Tết tại TP Đà Lạt bị lừa đảo, chiếm đoạt cả trăm triệu đồng. 

Hình thức lừa đảo này không mới, thậm chí đã tồn tại suốt hàng chục năm qua với nhiều người đã trở thành nạn nhân. 

Mỗi khi cận Tết, thủ đoạn lừa đảo từ mua bán rau, hoa tại tỉnh Lâm Đồng lại bùng phát mạnh, đòi hỏi người dân cần phải hết sức cảnh giác.

Ông Phạm Văn Tuấn (SN 1955, ngụ thôn Krăng Gọ 2, xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương) cho biết, địa phương có khoảng 20 gia đình làm nghề trồng hoa cúc chậu Tết nhưng năm nào cũng có một số trường hợp bị mất tiền bán hoa vì bị các đối tượng “quỵt”. 

Năm nay, gia đình ông Tuấn trồng 10.000 chậu hoa cúc Tết. Cách đây khoảng 1 tuần, nhiều thương lái đã đến dạo các vườn để chọn hoa, đặt cọc tiền. Những nhà có vườn hoa đẹp phần lớn đã được thương lái đặt cọc hết. 

Vụ hoa Tết năm ngoái, mặc dù đã hết sức cảnh giác nhưng gia đình ông Tuấn vẫn bị kẻ xấu lừa mất 40 triệu đồng. “Rút kinh nghiệm, năm nay tôi phải chọn thương lái uy tín để bán và thực hiện phương châm tiền giao cháo múc. Chấp nhận bán với giá thấp hơn so với hình thức ký gửi!...”, ông Tuấn chia sẻ.

Ngoài việc đặt cọc nhận bán rau, hoa trả tiền sau theo thỏa thuận nhưng sau đó cắt đứt liên lạc, chiếm đoạt tiền của người dân, các đối tượng còn sử dụng chiêu trò giả mạo là chủ vườn và người trung gian (“cò”) lừa bán các vườn rau “ma” cho thương lái làm nghề mua bán nông sản chân chính. 

Ban đầu, đối tượng “cò” thường chủ động liên hệ với các thương lái để đặt vấn đề bán một vườn rau, hoa. Kẻ lừa đảo nói rằng vườn rau này đã được đối tượng mua của chủ vườn. Khi thương lái muốn mua, thêm một đối tượng khác sẽ xuất hiện, tự xưng là chủ vườn để liên hệ và dẫn nạn nhân đi xem vườn rau, hoa. 

Tin tưởng vào vở kịch mà các đối tượng dàn dựng, một số nạn nhân đã chuyển tiền mua nông sản cho kẻ lừa đảo. Nhận được tiền, các đối tượng lập tức cắt liên lạc để chiếm đoạt tài sản. 

Theo Công an huyện Đơn Dương, với phương thức thủ đoạn như trên, đối tượng Ngô Trọng Trí (SN 1985, ngụ xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) đã lừa bán cho bà Đ.T.D (SN 1973, ngụ xã Ka Đô, huyện Đơn Dương) một vườn rau bắp cải, chiếm đoạt 50 triệu đồng. Gần đây nhất, ngày 30/12/2024, Công an huyện Đơn Dương đã bắt giữ Hồ Viết Cát (SN 1985, thường trú huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) và Trần Hữu Trang (SN 1987, ngụ huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) về hành vi chiếm đoạt tài sản. 

Tại cơ quan Công an, Cát và Trang khai nhận do biết được sự chủ quan của các thương lái trong việc mua bán rau, Cát đã liên hệ với bà V.T.T.H (SN 1984, trú tại xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương) là thương nhân buôn bán rau, đặt vấn đề bán một vườn bắp cải mà Cát đã mua. Hồ Viết Cát nhờ Trần Hữu Trang đóng giả là chủ vườn để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 32 triệu đồng của nạn nhân.

Để ngăn chặn hình thức lừa đảo trên, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động kiểm tra kỹ nguồn gốc các vườn rau, hoa, nắm rõ thông tin của người bán, người mua và cần hết sức thận trọng khi thực hiện giao dịch chuyển tiền. Trường hợp đã bị các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân phải đến ngay cơ quan Công an nơi cư trú trình báo để được kịp thời giải quyết.

image1-1736905216465682421264-27-0-327-480-crop-17369052408902061640319.pngLừa gần 3 tỷ bằng thủ đoạn hợp tác hỗ trợ tài chính đầu tư dự án bất động sản

GĐXH - Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức ký hợp đồng hợp tác hỗ trợ tài chính đầu tư dự án bất động sản.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020