Chuyên mục  


Yuri Ignat, quan chức truyền thông không quân Ukraine, ngày 7/1 tuyên bố một tiêm kích F-16 nước này đã dùng hai tên lửa đối không tầm trung, hai quả đạn tầm ngắn và vài loạt pháo 20 mm để bắn hạ 6 tên lửa hành trình Nga trong một chuyến xuất kích hồi giữa tháng 12/2024.

Tuy nhiên, giới chức Ukraine từ đó tới nay chưa công bố bằng chứng nào về trận đánh, khiến một số chuyên gia và phi công quân sự bày tỏ hoài nghi về tính xác thực của thông tin.

"Những tuyên bố kiểu này xuất hiện rất nhiều trong xung đột, song cần xem xét chúng một cách cẩn trọng. Không ai có thể vào cuộc xác minh thông tin giữa chiến sự hỗn loạn. Thành tích của họ chắc chắn gây ấn tượng, song vẫn có khả năng đã được cường điệu hóa", một cựu phi công không quân Ấn Độ nói với Eurasia Times.

Tiêm kích F-16 Ukraine bay trong ảnh công bố tháng 8/2024. Ảnh: BQP Ukraine

Cựu phi công Ấn Độ chỉ ra rằng phi công F-16 Ukraine chỉ được huấn luyện cấp tốc trước khi thực chiến, thay vì trải qua khóa đào tạo cơ bản kéo dài ít nhất 9 tháng và nhiều tháng huấn luyện nâng cao.

Tính phức tạp của F-16, rào cản ngôn ngữ và nhiều thách thức khi chuyển từ tiêm kích hệ Liên Xô sang máy bay phương Tây khiến quá trình làm chủ F-16 trở nên đặc biệt khó khăn với phi công Ukraine. Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Serhiy Melnyk tuần trước tuyên bố nước này đang rút ngắn chương trình đào tạo phi công F-16 xuống còn ba tháng.

"Cách đào tạo gấp rút có thể giúp phi công nhanh chóng tham chiến, song không trang bị cho họ kinh nghiệm và chuyên môn kỹ thuật đủ sâu để thực hiện những thao tác phức tạp như vậy một cách chính xác, đặc biệt trong điều kiện thực chiến căng thẳng cao", ông nhận định.

Ukraine đã tiếp nhận một số tiêm kích F-16 do phương Tây chuyển giao từ tháng 8/2024 và đã mất ít nhất một chiếc, khi máy bay do phi công Oleksiy Mes điều khiển lao xuống đất trong trận tập kích của Nga ngày 26/8/2024.

"Điều này đặt ra câu hỏi là liệu các phi công F-16 Ukraine có được chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng yêu cầu tác chiến hay không. Các tuyên bố dễ bị phóng đại hóa, trong khi rất khó để xác thực mức độ tin cậy của thông tin nếu thiếu những bằng chứng vững chắc, có thể kiểm chứng", cựu phi công Ấn Độ nêu quan điểm.

Tài khoản Fighter Bomber của một phi công tiêm kích Nga cho biết Ukraine khó lòng công bố video quay cảnh tên lửa phóng từ F-16 Ukraine hạ mục tiêu, do vụ nổ phải xảy ra tương đối gần tiêm kích và điều này là rất hiếm hoi.

"Nếu phi công Ukraine thực sự khai hỏa pháo 20 mm để hạ tên lửa Nga, chắc chắn sẽ có video sinh động được quay từ máy bay và có thể công bố mà không làm lộ bí mật. Họ không thể đưa ra những video như vậy đơn giản là vì chúng không tồn tại", tài khoản này viết.

Phi công này cũng nhấn mạnh quân đội Ukraine từng sử dụng video lấy từ game mô phỏng để minh họa chiến công. "Giờ đây không thể đánh lừa bất cứ ai bằng các video như vậy, kể cả những người ngớ ngẩn nhất, đó là lý do họ chỉ đưa ra tuyên bố thuần túy", Fighter Bomber nêu quan điểm.

Tiêm kích F-16 Ukraine trong ảnh công bố tháng 8/2024. Ảnh: X/ZelenskyyUa

Dù vậy, một số chuyên gia phương Tây vẫn cho rằng F-16 Ukraine có thể bắn hạ 6 tên lửa trong một chuyến xuất kích.

Tim Robinson, chuyên gia không quân thuộc Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh, nhận định điều này là khả thi nếu chiếc F-16 triển khai với đầy đủ cơ số tên lửa, phi công dày dạn kinh nghiệm và chọn thời điểm, vị trí công kích phù hợp. "Đây là thành tích đáng kinh ngạc", Robinson nói.

Mark Cancian, cố vấn cấp cao thuộc Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, cho biết đây sẽ là kỷ lục của dòng F-16 nếu được xác nhận.

"Số lượng tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine trong lần chạm trán cũng là yếu tố góp phần giúp điều này trở thành hiện thực. Chưa phi công phương Tây nào làm được điều đó, vì họ không phải đối mặt với lượng mục tiêu lớn như phi công Ukraine. Các kíp bay Mỹ và đồng minh thường chỉ đối mặt 1-2 tên lửa của đối phương trong mỗi trận đánh", Cancian cho hay.

Nguyễn Tiến (Theo BI, AFP, Reuters, Eurasian Times)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020