Tại dự thảo Nghị định hướng dẫn quy định tại Luật Điện lực về cơ chế mua bán điện trực tiếp đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất khách hàng sử dụng điện lớn được tham gia mua bán điện trực tiếp. Điều kiện tham gia là khách hàng sử dụng điện lớn đấu nối cấp điện áp từ 22kV trở lên và tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh một tháng.
Góp ý về dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất hạ thấp ngưỡng sản lượng tiêu thụ điện bình quân để được tham gia mua bán điện trực tiếp, đặc biệt với trường hợp mua bán qua đường dây riêng.
Theo VCCI, nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn có nhu cầu sử dụng điện tái tạo nhằm đáp ứng các yêu cầu của đối tác xuất khẩu hoặc các tiêu chuẩn quốc tế.
"Các doanh nghiệp này muốn được mua điện trực tiếp từ các nguồn điện tái tạo", liên đoàn cho biết, thêm rằng quy định như dự thảo sẽ hạn chế sự tham gia của nhiều doanh nghiệp có nhu cầu. Đặc biệt, với trường hợp mua điện qua đường dây riêng dù trường hợp này không tác động đáng kể đến hệ thống điện quốc gia.
Nhà máy điện mặt trời đã đưa vào hoạt động ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ảnh:Việt Quốc
Thực tế, quy định về khách hàng sử dụng điện lớn được Chính phủ quy định tại Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát năng lượng tái tạo (mặt trời, gió...) với khách hàng sử dụng điện lớn. Theo số liệu của các công ty điện lực, khoảng 7.700 khách hàng đủ điều kiện mua bán trực tiếp, tương ứng chiếm 40% tổng điện năng tiêu thụ cả nước.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An từng cho rằng hoàn toàn có thể tạo thị trường mua bán điện trực tiếp không giới hạn người bán và người mua.
Nhiều hiệp hội, đại diện doanh nghiệp nước ngoài từng kiến nghị bỏ ngưỡng giới hạn này. Song, giới chuyên môn cũng cho rằng việc duy trì ngưỡng giới hạn với khách hàng tiêu thụ điện lớn là cần thiết trong giai đoạn đầu áp dụng cơ chế mới này, tạo vùng đệm an toàn cho chính sách.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng quy định này sẽ dẫn đến các khách hàng đang thuộc diện được mua bán điện trực tiếp có thể không được tiếp tục làm việc này trong năm tiếp theo. Nguyên nhân do họ đã giảm lượng tiêu thụ điện trong năm trước đó.
Theo tổ chức này, việc giảm sản lượng tiêu thụ điện của một khách hàng có thể đến từ các lý do như giảm đơn hàng, ứng dụng các thiết bị tiết kiệm điện, hoặc bổ sung thêm các nguồn điện khác. Do đó, nếu loại bỏ các khách hàng này ra khỏi diện được mua bán điện trực tiếp sẽ tạo thêm rủi ro cho các hợp đồng mua bán điện giữa khách hàng và các nhà sản xuất năng lượng tái tạo.
"Việc này không cần thiết do một khách hàng không đạt mức tiêu thụ cũng không gây tác động tiêu cực nào cho hệ thống điện quốc gia", VCCI đánh giá.
Phương Dung