Một gian hàng quà Tết xanh tại trung tâm thương mại Takashimaya, TP.HCM - Ảnh: H.PHÚC
Săn tìm các sản phẩm "hàng độc" với tiêu chí là quà tặng "xanh", chị Lê Ngọc Linh (nhân viên một doanh nghiệp tại TP.HCM) đã quyết định chọn một mẫu quà tặng trị giá 1.680.000 đồng. Mẫu quà này mang hơi thở dòng tranh Đông Hồ với câu đối thư pháp, triện khắc kết hợp với chất liệu mây tre đan thân thiện với môi trường khiến chị Linh rất ưng ý.
Quà xanh "cháy hàng"
Khi liên hệ, chị Linh nhận được thông báo từ nhà cung cấp rằng bộ quà tặng này đã "cháy hàng" và nhiều mẫu quà từ hộp gỗ, mây tre đan lát khác của doanh nghiệp này (giá từ 380.000 - 880.000 đồng/hộp) cũng bán sạch sành sanh từ nhiều ngày qua.
Là giám đốc đối ngoại của một doanh nghiệp FDI tại TP.HCM, chị Nguyễn Trúc Phương cho biết mỗi lần chuẩn bị quà Tết là cả phòng đối ngoại "đau đầu" chọn quà trước đến sáu tháng.
Do doanh nghiệp đẩy mạnh các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị) nên sản phẩm quà tặng cũng phải toát lên tinh thần đó để nhìn vào là "thấy xanh ngay". Trong đó, doanh nghiệp ưu tiên chọn những sản phẩm là sản vật các địa phương, còn hộp quà có thể tái chế, hạn chế bao bì ni lông...
"Do nhu cầu dùng hộp quà xanh ngày càng nhiều nên các doanh nghiệp sản xuất cũng có những combo quà tặng xanh, mời thầu với giá cả cũng đa dạng, song để chọn được những sản phẩm vừa ý thì mình phải chọn lựa lại để làm sao vừa xanh nhưng giá không quá cao so với các sản phẩm quà tặng phổ biến và điều quan trọng là mọi người tận dụng được hộp quà sử dụng cho cuộc sống hằng ngày", chị Phương nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lily Vũ, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty HacoFarm (thương hiệu Hoa Thơm Cỏ Lạ), cho biết các sản phẩm quà Tết tôn vinh giá trị truyền thống của doanh nghiệp đã được thị trường đón nhận rất tích cực khi nhiều sản phẩm đã sớm hết hàng.
Theo bà, từ năm 2017, khi thị trường chưa nhiều người nhắc đến "xanh" hay phát triển bền vững, thương hiệu này đã dùng mây tre đan để đóng gói thay cho nhựa hay kim loại để có thể tái sử dụng và hạn chế đồ nhựa.
Ngoài bao bì, bà cho biết các sản phẩm bên trong như hạt, trà, mứt đều được lựa chọn từ những nguồn nguyên liệu tự nhiên, không chất bảo quản, không hóa chất... để không chỉ mang lại lợi ích sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn tôn vinh giá trị tài nguyên bản địa.
Bà Lily Vũ cho hay điểm đặc biệt giúp quà tặng "cháy hàng" là thiết kế độc đáo khi từ 2022, đội ngũ đã đi khắp các làng nghề để tìm kiếm những đơn vị phù hợp nhằm chuyển đổi hình ảnh chim công xòe cánh lộng lẫy trong tranh dân gian sang tranh thêu trên chất liệu nhung tơ.
"Quá trình này không dễ dàng. Nhiều lần chúng tôi đã muốn từ bỏ nhưng cuối cùng vẫn kiên trì để tạo ra giá trị khác biệt mà vẫn giữ được chi phí hợp lý. Sau hai tháng nỗ lực, mẫu sản phẩm đầu tiên được ra mắt và nhanh chóng trở thành lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp trong việc tặng quà đối tác.
Những món quà này không chỉ là vật phẩm để tặng nhau, mà là những câu chuyện văn hóa gắn liền với các giá trị bản địa của Việt Nam, đồng thời tạo ra công ăn việc làm cho các nghệ nhân ở làng nghề", bà Lily Vũ nói.
Doanh nghiệp nhỏ đến lớn đều "xanh hóa"
Khảo sát thị trường quà tặng của Tuổi Trẻ cho thấy năm nay không chỉ các doanh nghiệp chuyên về quà tặng mà các "ông lớn" ngành bán lẻ cũng tung ra các bộ quà tặng "xanh" với sự kết hợp tinh tế giữa các sản phẩm hữu cơ, tự nhiên và thân thiện với môi trường.
Năm nay, thương hiệu Ikachi tung ra thị trường bộ sưu tập quà Tết xanh 2025 với chủ đề "Vui là Tết" theo tiêu chí thiết kế bền vững, thân thiện môi trường. Doanh nghiệp lồng ghép các trò chơi dân gian quen thuộc vào từng hộp quà Tết như chơi trò ô ăn quan hay trò lô tô...
Theo đại diện doanh nghiệp, thông qua các sản phẩm quà tặng, doanh nghiệp muốn thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh, lối sống xanh bằng cách xài vật liệu giấy dễ phân hủy và sáng tạo các hộp có thể tái sử dụng. Điều này nhằm biến mỗi hộp quà thành nhiều công năng, vừa kéo dài vòng đời sản phẩm, vừa tăng giá trị sản phẩm lại giảm thiểu rác thải.
Là công ty sở hữu thương hiệu bánh nổi tiếng như Chocopie, bánh gạo An..., đại diện Công ty Orion Vina cho biết thị trường quà Tết 2025 đang sôi động.
Các nhà sản xuất lớn đều cố gắng mang đến đa dạng sự lựa chọn cho người tiêu dùng cả về sản phẩm lẫn giá cả, cách thức đóng gói. Các bộ quà của đơn vị này được thiết kế nhằm tối ưu và cân bằng giữa giá trị và giá tốt. Mức giá sản phẩm dao động từ 88.000 - 500.000 đồng để phù hợp với sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của khách hàng cả về chất lượng sản phẩm lẫn bao bì đóng gói, doanh nghiệp này đã triển khai các hoạt động phát triển bền vững hơn.
Bên cạnh các thay đổi tại nhà máy như sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, công ty này đã có những thay đổi đáng chú ý trên sản phẩm, nổi bật như dự án "bao bì hiền lành".
Đơn vị này kỳ vọng thông qua cải thiện chất liệu và hình ảnh bao bì đóng gói, các nhà sản xuất có thể góp phần giảm thiểu tác động môi trường, đồng thời gia tăng nhận thức của người tiêu dùng vì môi trường.
Sản phẩm thủ công cũng có chỗ đứng
Các sản phẩm thủ công cũng tìm được chỗ đứng và được thị trường đón nhận mỗi dịp Tết.
Bà Thụy Bình (ngụ TP.HCM) cho hay 5 năm gần đây, thói quen tiêu dùng ngày Tết có nhiều thay đổi khi nhiều người dần thay thế bánh kẹo công nghiệp bằng các sản phẩm thiên nhiên, đặc biệt là các loại hạt. Mỗi dịp Tết, bà Bình đều bán được kha khá các sản phẩm mứt truyền thống từ một cơ sở sản xuất thủ công hơn 15 năm tại Đà Lạt.
Với mong muốn bảo vệ môi trường, bà Bình đóng gói sản phẩm vào túi giấy và túi draft có màu. Đồng thời, bà cũng không đóng hộp cồng kềnh vì cho rằng như vậy làm đội giá sản phẩm trong khi giá trị thực người tiêu dùng nhận lại không tương xứng số tiền bỏ ra.
Thay vào đó, bà chọn các hộp quà từ mành tre và túi vải không dệt để vừa thân thiện môi trường lại có thể được sử dụng nhiều lần cho nhiều mục đích khác nhau dù bản thân chấp nhận "lời ít đi".
Theo báo cáo của Nielsen năm 2023, có tới 73% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm bền vững. Điều này phản ánh sự thay đổi lớn trong nhận thức của cộng đồng với việc bảo vệ môi trường và sức khỏe.
Bỏ tiền nhiều hơn để xài sản phẩm xanh
Theo khảo sát nhận thức và hành vi tiêu dùng xanh 2024 của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (công bố tháng 10-2024), tỉ lệ người tiêu dùng chọn nơi mua sản phẩm xanh phụ thuộc vào thói quen tiêu dùng và mức độ cung ứng tại các kênh phân phối.
Khoảng 45% người tiêu dùng mua sản phẩm xanh qua các kênh trực tuyến, đặc biệt là sàn thương mại điện tử. Khách hàng chính của nhóm sản phẩm này là từ 31 - 45 tuổi, có trình độ đại học, thu nhập ổn định (từ 15 - 30 triệu đồng/tháng).
78% người tiêu dùng cho rằng giá cao là rào cản lớn nhất khi chọn sản phẩm xanh. Dù vậy, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả thêm 5 - 10% so với sản phẩm thông thường.
Trang trí những hộp quà “xanh” cho khách hàng biếu Tết - Ảnh: T.T.D.
Theo đại diện HacoFarm, việc sản xuất các sản phẩm quà Tết xanh, doanh nghiệp cũng đối mặt với những khó khăn như giá thành cao hơn, tình trạng sao chép mẫu mã...
Vì vậy, đơn vị này phải liên tục sáng tạo thiết kế độc đáo và quy trình sản xuất riêng, ký kết hợp đồng sớm với các nhà cung cấp tận gốc, xây dựng mối quan hệ lâu dài với các làng nghề truyền thống. Nhờ vậy, giá các sản phẩm quà tặng xanh chỉ cao hơn 15 - 20% so với các sản phẩm quà Tết thông thường, trong khi mang lại giá trị sử dụng lâu dài và ý nghĩa hơn cho khách hàng.