Chuyên mục  


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sáng nay rời Hà Nội, lên đường thăm cấp nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Pháp.

Các chuyến thăm diễn ra từ 30/9 đến 7/10, theo lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, Tổng thống Ireland Michael D. Higgins và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Đoàn đại biểu Việt Nam có Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng các Bộ trưởng, quan chức và đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ, Ireland, Pháp.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lên đường thăm cấp nhà nước tới Mông Cổ, Ireland và Pháp sáng 30/9. Ảnh: TTXVN

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, thể hiện Việt Nam coi trọng mối quan hệ với ba nước và mong muốn nâng tầm các khuôn khổ hợp tác.

Việt Nam - Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 17/11/1954. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt hơn 120 triệu USD. Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh đã thăm cấp nhà nước Việt Nam hồi tháng 11/2023. Chuyến thăm sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước diễn ra vào dịp kỷ niệm 70 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Việt Nam - Ireland thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 5/4/1996. Ireland là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam tại thị trường EU. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 3,5 tỷ USD trong năm 2023 và gần 2,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay. Việt Nam là một trong 9 nước đối tác ưu tiên nhận viện trợ phát triển của Ireland.

Việt - Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/4/1973 và nâng cấp lên Đối tác chiến lược vào năm 2013. Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam, kim ngạch thương mại năm 2022 đạt 5,3 tỷ USD và năm 2023 là 4,8 tỷ USD. Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á.

Cộng đồng Pháp ngữ có 88 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên, trong đó có 54 thành viên đầy đủ gồm các nước châu Âu như Pháp, Bỉ, Bulgaria, Hy Lạp, Thụy Sĩ, các nước châu Phi như Mali, Morocco, Cameroon và một số nước châu Á như Việt Nam, Lào, Campuchia. Tổng dân số khoảng 1,2 tỷ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại toàn cầu. Việt Nam từng đăng cai tổ chức hội nghị cấp cao đầu tiên và duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ ở châu Á hồi năm 1997.

Như Tâm (Theo TTXVN)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020