Chuyên mục  


Khi đứng gác trước cổng căn cứ không quân Hmeimim ở tỉnh Latakia, tay súng của nhóm vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS) nhìn chằm chằm vào một binh sĩ Nga đang hút thuốc lá điện tử bên kia rào chắn. Nhận thấy điều đó, người lính Nga đưa nó cho tay súng HTS. Người này rít một hơi rồi nhún vai, giơ ngón cái về hướng binh sĩ Nga và được người lính cho giữ lại tẩu thuốc.

Hình ảnh thân thiện này trái ngược với những gì xảy ra trước đó hơn một tuần, khi chiến đấu cơ Nga liên tục cất cánh từ căn cứ Hmeimim để oanh tạc liên minh chống chính phủ do nhóm HTS dẫn đầu ở miền bắc Syria.

Chỉ trong 11 ngày, từ một căn cứ chiến lược của Nga ở miền tây Syria, Hmeimim giờ đây đang nằm giữa vòng vây của HTS, khi lực lượng này lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và triển khai lực lượng canh giữ các căn cứ quân sự Nga suốt ngày đêm.

Tình hình thay đổi quá chóng vánh buộc Nga phải tìm cách đàm phán với lực lượng cách đây không lâu còn bị họ ném bom, oanh tạc.

"Chúng tôi không cảm thấy bị đe dọa và hy vọng sẽ xây dựng được quan hệ thân thiện với chính quyền mới ngay khi họ trở thành chính phủ hợp pháp", một đại diện của quân đội Nga cho biết, thêm rằng Moskva và HTS bắt đầu liên lạc cách đây một tuần để điều phối các hoạt động quân sự. Tuy nhiên, Điện Kremlin thừa nhận số phận các căn cứ của họ ở Syria đến nay vẫn rất bấp bênh.

Tay súng Syria đứng gác tại cổng căn cứ Hmeimim hôm 14/12. Ảnh: Reuters

Tại căn cứ Hmeimim, dù bị lực lượng HTS canh gác chặt chẽ, đại diện lực lượng đồn trú Nga ở đây nói rằng "mọi chuyện hiện vẫn ổn" và không bên nào có hành động khiêu khích.

Trong lúc các tay súng HTS đứng gác ở cổng, một số tiêm kích Nga cất cánh rời căn cứ, cho thấy sân bay quân sự này vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp hiện diện của nhóm vũ trang.

"Trước đây chúng tôi cảm thấy rất sợ mỗi khi nghe tiếng tiêm kích Nga, song giờ đó là chuyện bình thường", Abu Khaled, thành viên 26 tuổi của HTS đang đứng gác ở lối vào căn cứ Hmeimim, cho biết.

Ở bên ngoài, các quân nhân Nga vẫn đi lại quanh thị trấn Hmeimim và mua sắm tại các cửa hàng có biển hiệu bằng tiếng Nga.

Quân đội Nga bắt đầu can thiệp vào Syria từ năm 2015 theo đề nghị của ông Assad, để giúp quân chính phủ chống lại lực lượng đối lập trong cuộc nội chiến bùng phát vào năm 2011. Việc phe chống chính phủ lên nắm quyền khiến hiện diện quân sự của Nga tại Syria đứng trước dấu hỏi lớn.

Triển vọng duy trì những căn cứ Nga ở Syria càng thêm u ám khi Obeida Arnaout, phát ngôn viên chính phủ chuyển tiếp mới của Syria do HTS bổ nhiệm, hôm 16/12 nói rằng Nga "nên xem xét lại hiện diện quân sự cũng như lợi ích của họ trên lãnh thổ Syria".

Kaja Kallas, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, cùng ngày tuyên bố Nga và Iran, đồng minh khác của chính quyền ông Assad, "không nên có chỗ đứng" tại Syria. Bà thêm rằng EU sẽ nêu vấn đề về các căn cứ quân sự của Nga ở Syria với chính quyền mới tại Damascus.

Báo Guardian dẫn lời một quan chức HTS giấu tên cho biết tiến trình đàm phán giữa nhóm này và Nga về khả năng duy trì hiện diện quân sự của Moskva tại Syria đang ở "bước đầu tiên". Các cuộc đàm phán diễn ra với không khí "tích cực", theo mô tả của cả hai bên.

Nga muốn duy trì kiểm soát căn cứ hải quân ở Tartus, quân cảng duy nhất của nước này ở Địa Trung Hải, và sân bay quân sự Hmeimim, trung tâm hậu cần quan trọng cho các hoạt động của Moskva ở châu Phi.

Các tay súng Syria quan sát đoàn xe Nga tiến vào căn cứ Hmeimim hôm 16/12. Ảnh: AP

Tuy quan chức HTS giấu tên có nhắc đến các chiến dịch oanh tạc của Nga nhằm vào họ kể từ năm 2015, Guardian cho rằng nhóm vũ trang đang áp dụng cách tiếp cận mang tính thực dụng trong quan hệ với Moskva cũng như các cường quốc khác, sẵn sàng bỏ qua hiềm khích trong quá khứ để đạt được mục tiêu đề ra.

Quan chức HTS cũng nhấn mạnh các cuộc đàm phán với Nga sẽ được tiến hành "dựa trên lợi ích chiến lược, không phải ý thức hệ" và không có "lằn ranh đỏ" nào.

Cả Moskva và HTS đều đã có những bước đi đầu tiên, trong đó Nga đề xuất cung cấp viện trợ nhân đạo cho Syria, quốc gia đang chìm trong khủng hoảng sau nhiều năm xung đột.

Nhưng đề nghị này đã bị từ chối, do HTS đang được một số nhà tài trợ nước ngoài khác tiếp cận và cảm thấy không cần phải nhận "ân huệ" này của Nga để đối lấy việc cho phép Moskva duy trì hiện diện quân sự.

Điều kiện mà HTS mong muốn có thể sẽ liên quan tới ông Assad. Trong phát biểu đầu tiên kể từ khi bị lật đổ, cựu tổng thống Syria hôm 16/12 cho biết đã di chuyển đến căn cứ Hmeimim sau khi rời khỏi Damascus để giám sát chiến dịch chống lực lượng đối lập, sau đó mới bay tới Moskva. Nga đã cấp quyền tị nạn cho ông Assad và gia đình.

Quan chức HTS nói chính quyền mới tại Syria sẽ yêu cầu Nga dẫn độ cựu tổng thống Assad hoặc giao nộp ông cho tòa án hình sự quốc tế. Tuy nhiên, người này không cho rằng Nga sẽ chấp nhận yêu cầu trên.

Dù vậy, mục tiêu chính của HTS dường như vẫn là thiết lập quan hệ tốt về kinh tế và chính trị với Nga và các cường quốc khác, theo Guardian.

Quan chức HTS nhận định điều này sẽ giúp mang lại tính chính danh cho chính quyền mới do lực lượng đối lập thành lập, đồng thời viện dẫn cuộc rút quân vội vã của Mỹ tại Afghanistan hồi năm 2021 là bài học về điều mà nhóm muốn tránh xảy ra với Nga.

Để đạt được mục tiêu này, HTS những ngày gần đây cung cấp bảo đảm an ninh để lực lượng Nga di chuyển nhân lực, khí tài từ căn cứ không quân T4 ở tỉnh miền trung Homs đến Hmeimim và Tartus. Trong hai ngày qua, những đoàn xe bọc thép chở quân, xe tăng và xe bán tải treo cờ Nga với biểu tượng "Z" sơn hai bên tràn ngập các đường cao tốc ở Syria, bên cạnh là lực lượng HTS làm nhiệm vụ hộ tống.

tinh-canh-tro-treu-cua-luc-luong-nga-tai-syria-1734410599.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=C0Q5wXF2CA2eLsK-deXX7g
Tình cảnh trớ trêu của lực lượng Nga tại Syria

Đoàn khí tài Nga từ căn cứ T4 di chuyển vào căn cứ Hmeimim trong video đăng ngày 16/12. Video: Guardian

Đại diện Nga xác nhận quân nhân và thiết bị quân sự tại căn cứ T4 đã được sơ tán hoàn toàn vào ngày 14/12 với sự phối hợp của HTS. Người này thêm rằng quân đội Nga chưa rút khỏi Syria mà chỉ tái bố trí lực lượng, trong lúc chờ Điện Kremlin quyết định bước đi tiếp theo.

Quan chức HTS cho biết trong tình cảnh bị bao vây, điều kiện sống tại căn cứ T4 đã trở nên hết sức tồi tệ trong tuần qua, với rác thải ngày một chất đống và nguồn cung thực phẩm dần cạn kiệt. Đại diện Nga không bình luận về thông tin này.

Việc Nga rút quân khỏi T4 khiến sân bay Hmeimim và quân cảng Tartus là hai căn cứ duy nhất của Moskva hiện còn hoạt động tại Syria, khác biệt lớn so với thời ông Assad còn nắm quyền.

Quân cảng Tartus được cho là địa điểm dễ thương lượng hơn so với căn cứ Hmeimim. Quan chức HTS cho biết nhóm sẵn sàng cho phép Nga duy trì kiểm soát quân cảng, vì luật quốc tế khiến việc hủy hợp đồng thuê kéo dài 49 năm đối với căn cứ này trở nên rất phức tạp, ngay cả khi thỏa thuận được ký dười thời ông Assad.

Theo Guardian, HTS dường như sẵn sàng bỏ qua quá khứ nội chiến để tập trung vào cải thiện tình trạng nhân đạo tồi tệ hiện nay ở Syria.

"Chúng tôi buộc phải sửa chữa các mối quan hệ, khi đất nước lâm vào tình cảnh khó khăn và người dân rất nghèo. Mọi người đang cố gắng để máu ngừng đổ, xây dựng cuộc sống mới và tiến về phía trước", quan chức HTS cho hay.

Vị trí căn cứ không quân Hmeimim và căn cứ hải quân Tartus. Đồ họa: Theo BBC

Liệu tất cả người dân Syria, đặc biệt là ở vùng từng bị Nga oanh tạc do thuộc kiểm soát của lực lượng chống chính phủ, có chấp nhận cho Moskva duy trì hiện diện quân sự hay không lại là câu hỏi khác.

"Đây không phải đất nước hòa bình. Hãy nhìn Idlib và các vùng đã được giải phóng xem, mọi thứ đều đã bị phá hủy", Abu Khaled nói trong lúc chỉ tay về phía các máy bay Nga đang cất cánh từ căn cứ Hmeimim.

Phạm Giang (Theo Guardian, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020