Chuyên mục  


khuyen-sinh-17342270484551102093543-17344046989561656339578.jpg

Vợ chồng anh Thịnh (36 tuổi) và chị An (33 tuổi), ngụ TP Thủ Đức (TP.HCM), hạnh phúc vì gia đình đã sinh “đủ nếp đủ tẻ” - Ảnh: DUYÊN PHAN

TP.HCM đang đối mặt với một thách thức lớn: Già hóa dân số, tỉ suất sinh thấp và mật độ dân cư cao.

Muốn sinh thêm con nhưng quá nhiều rào cản

Theo các chuyên gia và nhà quản lý về công tác dân số và phát triển, có thể chia nhóm nguyên nhân khiến mức sinh ở TP.HCM thấp thành hai loại: không muốn sinh thêm con và muốn nhưng không dám sinh thêm.

Đối với nhóm không muốn, áp lực công việc và quan niệm sống hiện đại chính là hai rào cản lớn nhất.

Hơn 83% người lao động tại TP.HCM làm việc trên 40 giờ mỗi tuần, cao hơn tỉ lệ chung cả nước là 72% (theo Tổng cục Thống kê).

Với nhịp sống bận rộn, người trẻ thường ưu tiên phát triển sự nghiệp, tận hưởng cuộc sống cá nhân hơn là dành thời gian chăm sóc con cái.

Trong khi đó, nhóm "muốn nhưng không dám" lại bị đè nặng bởi những gánh nặng kinh tế.

Chi phí để duy trì một cuộc sống tối thiểu với gia đình có hai con là 12 triệu đồng/tháng (theo Liên minh lương đủ sống), trong khi mức thu nhập trung bình của người lao động thành phố là 9,1 triệu đồng/tháng.

Điều này khiến nhiều cặp vợ chồng không dám sinh thêm con.

Ngoài ra, không gian sống chật hẹp và hạ tầng quá tải cũng làm giảm sức hút của việc sinh con tại TP.HCM.

Với mật độ dân số cao nhất cả nước là gần 4.500 người/km², hạ tầng giao thông, nhà ở, giáo dục và y tế của thành phố gặp áp lực lớn.

Mỗi km² tại thành phố chỉ có 2,26km đường giao thông, bằng 1/5 so với quy chuẩn. Diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố chưa đến 22m², thấp hơn 5m² so với trung bình toàn quốc.

Trong khi đó sĩ số học sinh trung bình tiểu học là 39,4 em/lớp, thuộc nhóm cao nhất cả nước.

TP.HCM vẫn là đích đến hàng đầu của người di cư cả nước trong nhiều năm qua. Nhưng việc khó tiếp cận về nhà ở, lại không có gia đình bên cạnh, đã khiến nhiều người nhập cư có tâm lý ngại sinh con.

Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019 của Tổng cục Thống kê, phụ nữ di cư bình quân sinh 1,54 con, trong khi nhóm không phải thay đổi nơi sống sinh 2,13 con.

Quyết liệt hơn nữa với chính sách dân số

Thành phố đang đề xuất mức hỗ trợ 3 triệu đồng cho mỗi phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi cùng mức hỗ trợ 2 triệu đồng cho phụ nữ sinh sống ở hai xã đảo và phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo trong quá trình mang thai và sinh con.

Đây là một bước tiến trong nỗ lực khuyến sinh của thành phố. Tuy nhiên mức hỗ trợ một lần này liệu có đủ hấp dẫn và mang lại kết quả hay không thì cần đợi thời gian trả lời.

Bài học từ các quốc gia phát triển như Hàn Quốc và Nhật Bản cho thấy chỉ hỗ trợ tài chính là không đủ để đảo ngược xu hướng giảm sinh.

Thay vào đó chính sách cần bao quát toàn diện, từ giai đoạn mang thai, sinh con, đến chăm sóc và nuôi dạy trẻ.

Hỗ trợ tài chính cho các gia đình có con thứ ba trở lên là một trong những giải pháp quan trọng. Trong đó bao gồm các khoản trợ cấp hằng tháng hoặc một khoản trợ cấp đặc biệt cho gia đình có từ ba con trở lên.

Hỗ trợ nhà ở cũng cần được chú trọng. Chẳng hạn có thể áp dụng chính sách giảm giá hoặc tín dụng ưu đãi khi thuê/mua nhà cho các gia đình theo số con.

Tuy nhiên với giá nhà đất ngày càng tăng cao như hiện nay, chính sách này nếu được áp dụng cũng có mặt trái là gây bất bình đẳng với những người độc thân hoặc không có con vì những lý do khách quan.

Một giải pháp khác là điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP.HCM để giúp thành phố thêm nguồn lực đầu tư cho các chương trình khuyến sinh cũng như đầu tư vào hạ tầng giao thông, nhà ở, y tế và giáo dục.

Từ đó giảm bớt áp lực cho các gia đình và tạo môi trường sống thuận lợi hơn.

Ngoài ra rất cần các chính sách giảm giờ làm, làm việc từ xa, hoặc hỗ trợ dịch vụ chăm sóc trẻ em sẽ giúp các cặp vợ chồng vừa phát triển sự nghiệp, vừa chăm sóc con cái.

Những thay đổi này không thể chỉ dựa vào ngân sách nhà nước, mà cần sự chung tay từ cộng đồng, doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Đã đến lúc TP.HCM phải quyết liệt hơn trong việc đối mặt với bài toán dân số.

Chỉ khi tạo ra một môi trường sống tốt hơn, đảm bảo cơ hội phát triển cho cả cha mẹ lẫn con cái, chúng ta mới có thể hy vọng vào một thành phố đáng sống và phát triển bền vững trong tương lai.

Ngoài thưởng tiền còn hỗ trợ viện phí

Theo quy định mới nhất, từ ngày 1-1-2025 phụ nữ thường trú ở Đồng Nai sinh đủ 2 con trước 35 tuổi sẽ được hỗ trợ một lần 1 triệu đồng.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số được miễn phí thực hiện tầm soát trước sinh (sàng lọc trước sinh), tầm soát sơ sinh (sàng lọc sơ sinh) tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh.

Hơn 7.400 trẻ vị thành niên, thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, tăng 10% so với năm 2023. Trên 23.400 thai phụ được sàng lọc trước sinh. Ngoài ra có hơn 28.300 trẻ được sàng lọc sơ sinh, chiếm 87% tổng số trẻ được sinh ra…

Trong khi đó từ năm 2022 tỉnh Hậu Giang bắt đầu triển khai mô hình sinh đủ hai con, nhờ đó mức sinh của tỉnh Hậu Giang đang dần cải thiện. Năm 2024, tỉ lệ bình quân sinh đạt 1,79 con/phụ nữ, tăng 0,17 con/phụ nữ so với năm 2023.

Tỉnh Hậu Giang đã khen thưởng phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi với tổng số tiền gần 1,2 tỉ đồng. Ngoài ra phụ nữ sinh đủ hai con còn được hỗ trợ trợ sàng lọc trước sinh, hỗ trợ viện phí… với số tiền gần 3 tỉ đồng.

A LỘC - LÊ DÂN

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020