Đông đảo công chúng đến thưởng thức triển lãm Quê hương của họa sĩ Trần Văn Bình - Ảnh: H.VY
Triển lãm Quê hương giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu (đa phần là tranh sơn mài) ghi dấu cuộc đời sáng tác của họa sĩ Trần Văn Bình, trưng bày đến 22-12 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Đây là triển lãm cá nhân thứ hai của cố họa sĩ do gia đình thực hiện, đồng thời ra mắt tập sách "Trần Văn Bình - Các tác phẩm hội họa" do chính bạn đời họa sĩ - bà Đỗ Thị Hảo biên soạn.
Cả đời yêu vẽ và luôn hoài vọng quê hương
Triển lãm khai mạc ấm áp với rất đông bạn bè, đồng nghiệp, người thân từ Hà Nội, Quảng Ngãi, Quy Nhơn cũng vào TP.HCM để chia vui cùng gia đình họa sĩ.
Bà Đỗ Thị Hảo khiến nhiều người xúc động khi chia sẻ về cuộc đời nhiều thăng trầm và không ngừng theo đuổi nghệ thuật của chồng.
Họa sĩ Trần Văn Bình (1955-2016) quê ở Quãng Ngãi, nhưng ông được mẹ sinh ra trên con tàu Ba Lan cuối cùng tập kết ra Bắc tháng 5-1955.
Ông tốt ngiệp trung cấp rồi theo học hệ đại học khoa sơn mài Trường đại học Mỹ thuật Công Nghiệp và từng giảng dạy tại đây. Ra trường, ông đi làm báo, vẽ minh họa cho các báo.
23 tuổi, ông được giải thưởng tại Tây Ban Nha với logo 2 con tôm cho công ty thuộc bộ Thủy sản và từ đó, ông tiếp tục đam mê vẽ.
Tranh Thả diều của họa sĩ Trần Văn Bình
Ông vẽ nhiều về ký ức tuổi thơ, những ngày theo mẹ đi sơ tán ở vùng Hà Bắc, Đoan Hùng. Những ký ức tuổi nhỏ đánh giậm, bắt cá, chăn trâu, thả diều, kéo co… được thể hiện sinh động qua các chất liệu lụa, bột màu, than, chì, sơn dầu.
Trước năm 2000, vì kinh tế khó khăn, họa sĩ vẽ tranh rồi bán. Những bức tranh lụa và bột màu bán đi giúp ông có tiền mua vóc, mua sơn và các loại màu để theo đuổi đam mê sơn mài.
Mua vật tư sơn mài khó, ông dùng màu đen từ sơn then và màu trắng từ vỏ trứng gà vịt, vỏ ốc, vỏ trai… để làm nguyên liệu cho những bức sơn mài trắng đen. Lâu dần, đó lại là cái duyên tạo nên phong cách rất riêng của họa sĩ Bình sơn mài.
Tranh sơn mài Cõi nhân gian của họa sĩ Trần Văn Bình
Theo bà Đỗ Thị Hảo, điều đặc biệt của họa sĩ Trần Văn Bình là ông không đi thực tế để vẽ tranh kí họa. Ông thường nhớ các chi tiết rồi vẽ lại trên tranh mà không có phác thảo. Ông vẽ trực tiếp lên lụa, bìa các-tông, toan sơn dầu, vóc sơn mài…
Dù sống ở miền Bắc từ bé, nhưng ông luôn hoài vọng về miền Nam bên kia vĩ tuyến 17. Âm hưởng quê hương đi vào sáng tác với những cảnh vật trộn lẫn giữa làng quê đồng bằng Bắc bộ và miền Ngũ Quảng phía Nam, hư hư thực thực, đậm chất trừu tượng.
Tranh sơn mài Xuân đầu thế kỷ của họa sĩ Trần Văn Bình
"Ông thích là ông vẽ, buồn vẽ, vui vẽ, cả đời vẽ, vẽ và vẽ cho đến lúc ông lâm bệnh, chỉ ao ước được sống thêm một năm nữa để được vẽ thêm những điều ông cần vẽ. Nhưng rồi sức khỏe đã buộc ông buông bút sau bức tranh cuối cùng Đôi mắt (2015).
Tranh vẽ đôi mắt nhìn thẳng, bộc trực, thẳng thắn, yêu ghét rõ ràng, đôi mắt say và yêu nghiệp vẽ đó là con người thật của họa sĩ Trần Văn Bình. Tôi cảm nhận ông đã buông hết tham sân si hỉ nộ ái ố, sau chân dung chính diện là những hoa sen đón người vãn sanh về cực lạc." - Bà Đỗ Thị Hảo bộc bạch.
Khi bước sang tuổi 60, họa sĩ muốn có một triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để tri ân miền Bắc nơi đã ôm ấp và nuôi dưỡng cuộc đời ông, và một triển lãm ở phía Nam để những người yêu tranh được biết một người con xa quê vẫn luôn đau đáu hướng về.
Bà Đỗ Thị Hảo - vợ họa sĩ Trần Văn Bình bên tác phẩm Đôi mắt (phía trên) tại triển lãm - Ảnh: H.VY
'Quê hương' trong tâm thức của người con tập kết
Theo họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam phụ trách khu vực phía Nam, đây là dịp để giao lưu học hỏi về phong cách sơn mài của một họa sĩ phía Bắc vào Nam triển lãm. Đặc biệt, năm nay còn là kỷ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết.
Cùng là đồng hương Quảng Ngãi và cũng là một người con tập kết, ông chia sẻ niềm đồng cảm đặc biệt về quê hương với họa sĩ Trần Văn Bình.
Vì hoàn cảnh lịch sử, những người con tập kết thường không biết quê hương mình thế nào, giải phóng rồi mới được về thăm quê. Vì vậy, quê hương trong tranh Trần Văn Bình là một miền quê sâu thẳm trong tâm thức, một quê hương nội tại đặc biệt, không phân định vùng miền.
Điều đó làm nên tín hiệu và dấu ấn riêng giúp người xem nhận ra ngay tranh Trần Văn Bình.
Tranh sơn mài Quê hương của họa sĩ Trần Văn Bình
Kỹ thuật sơn mài của họa sĩ Trần Văn Bình rất chuẩn chỉnh, đặc trưng truyền thống sơn mài phong vị Bắc. Những bức sơn mài đen trắng với những mảng chồng lấn, đan xen được tổ chức tinh tế với nhịp độ và sắc độ của một người am hiểu về đồ họa, trang trí.
Ở thời mở cửa còn nhiều ràng buộc, nhưng họa sĩ đã sớm chạm đến nghệ thuật biểu hiện, bộc lộ ham muốn bày tỏ nội tại và tiếng nói cá nhân của người nghệ sĩ. Đó là điều rất dũng cảm của một họa sĩ theo đuổi cái đẹp và dám đấu tranh vì tự do sáng tác.
Còn theo họa sĩ Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, tranh của họa sĩ Trần Văn Bình như nhật ký bằng hình ảnh ghi lại những ký ức tuổi thơ, vẻ đẹp dung dị của làng quê. Mỗi tác phẩm đều gần gũi đời sống và chạm đến tâm hồn người xem, mời gọi họ khám phá tầng sâu ý nghĩa trong từng đường nét.
Hơn cả giá trị nghệ thuật, tranh của họa sĩ Trần Văn Bình còn minh chứng cho tình yêu nghề và lòng kiên trì. Dù họa sĩ đã rời xa nhưng qua tác phẩm, người xem vẫn cảm nhận sức sống bền bỉ và tâm hồn nghệ sĩ không ngừng theo đuổi cái đẹp.
Đặc biệt, triển lãm còn là câu chuyện cảm động về tình yêu sâu nặng và sự tận tụy của người vợ đã luôn đồng hành, tiếp nối giấc mơ còn dang dở của cố họa sĩ.