Chuyên mục  


Nhận định được các nhà nghiên cứu từ các trường, viện nêu tại tọa đàm "Giải pháp để TP HCM tăng trưởng hai con số giai đoạn 2025-2030" do Viện Nghiên cứu và phát triển TP HCM (HIDS) tổ chức, chiều 2/1.

Theo ước tính, GRDP TP HCM 2024 tăng 7,17%, thấp hơn mục tiêu 7,5-8%. Năm nay, thành phố hướng đến tăng trưởng 10% và giao HIDS đề xuất kịch bản để đạt mục tiêu này.

Tăng trưởng hai chữ số là kết quả chưa từng đạt được trong 2 thập niên gần đây của TP HCM. 5 năm qua, địa phương tăng trưởng cao nhất là 9,03% vào 2022, nhưng do mức nền so sánh thấp khi kinh tế 2021 suy giảm 6,78% vì Covid-19.

TS Trần Đức Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng tăng trưởng hai chữ số là "thách thức vô cùng lớn". Bởi TP HCM vẫn phát triển theo chiều rộng, tỷ trọng ngành giá trị gia tăng cao còn ít và phụ thuộc vào tăng trưởng nhiều địa phương khác do nơi đây là đầu mối xuất khẩu, dịch vụ bán buôn - bán lẻ, vận tải.

"Nên đặt mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh triển vọng chung cả nước, với GRDP năm qua từ 7,17% lên mức 7,5-8% cho năm nay là khả thi, còn 10% thì khó", ông Đức Anh nhận xét.

Dịch vụ chiếm khoảng 65% cơ cấu kinh tế TP HCM, song năm qua tăng trưởng lĩnh vực này đạt thấp, khoảng 7%. Vì thế, TS Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam nói muốn tăng trưởng đạt 10% thì ngành dịch vụ phải bứt tốc rất cao. Trong khi lĩnh vực này và xuất khẩu năm nay được dự báo khó lường.

"Khả năng tăng trưởng xuất khẩu 2025 sẽ thấp hơn năm ngoái, không nên đặt nhiều kỳ vọng vào lĩnh vực này. Tín hiệu cho thấy xu hướng xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc những tháng cuối năm chậm lại", ông Thành nêu.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói mục tiêu không hoàn toàn bất khả thi nếu thành phố giải được loạt bài toán quan trọng về gỡ vướng chính sách, khơi thông dòng vốn, vực dậy niềm tin người tiêu dùng và nhà đầu tư.

Theo UBND TP HCM, để đạt mục tiêu tăng trưởng, địa phương cần huy động đủ nhu cầu vốn đầu tư phát triển năm nay 600.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ ngân sách 112.000 tỷ và xã hội 488.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho rằng cách nhanh nhất là tập trung vào những việc địa phương có thể chủ động như giải ngân đầu tư công, cải cách hành chính, gỡ vướng cho các dự án bất động sản. "Để dòng vốn không ách tắc, luân chuyển được thì từ khóa bất động sản quan trọng nhất. Tiền chảy vào sẽ tạo ra hiệu ứng", ông khuyến nghị.

Ở khía cạnh này, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Thống kê TP HCM cho biết đầu tàu kinh tế từng có giai đoạn 2000-2006 tăng trưởng hai chữ số nhờ thị trường nhà đất mạnh mẽ. "Bất động sản phát triển sẽ tác động tích cực đến 26 ngành khác. Cần xác định nó là động lực", ông nói.

Tàu metro số 1 chạy dọc đường Võ Nguyên Giáp ở TP Thủ Đức, nhìn về quận Bình Thanh (TP HCM) Ảnh: Quỳnh Trần

Song song đó, các chuyên gia cũng cho rằng TP HCM đã nhiều năm "mặc chiếc áo chật", tức gặp nút thắt cơ sở hạ tầng. Chi phí giao thông vận tải, kết hợp với giá nhà, mặt bằng kinh doanh - sản xuất cao do bất động sản thiếu cung, dẫn đến cơ hội sinh lợi giảm trong mắt nhà đầu tư, theo TS. Hồ Hoàng Anh, giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM. Ông chỉ ra vốn đầu tư tư nhân lẫn FDI năm qua không nhiều có thể một phần do vấn đề này.

TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin dự báo, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng quyết tâm tăng trưởng hai chữ số phụ thuộc vào việc dùng nguồn lực nhà nước đủ mạnh và hiệu quả. "Thúc đẩy đầu tư công, ngoài chủ yếu cơ sở hạ tầng đường sá, bến cảng thì điểm quan trọng khác là hạ tầng số để tạo nền móng cho giai đoạn 2026-2030", ông lưu ý.

Cùng với khơi thông vốn, chuyên gia cho rằng cần tiếp tục thúc đẩy ngành dịch vụ và không bỏ quên sản xuất công nghiệp. TS Trần Đức Anh cho rằng cần tiếp tục kích cầu du lịch mạnh mẽ, nhất là thu hút khách quốc tế, gắn với các sự kiện văn hóa, lễ hội, giải trí. Theo ông Anh, TP HCM năm qua đã thành công, đi đầu trong hoạt động tổ chức lễ hội, âm nhạc.

2025 là năm TP HCM kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dự kiến mỗi tháng có 5-6 sự kiện được tổ chức. Chuyên gia cho rằng đây cũng là một dạng đầu tư công 4 trong 1, tức sự kiện chính trị nhưng cũng là lễ hội văn hóa, kích cầu du lịch và tiêu dùng.

Để củng cố niềm tin, TS Nguyễn Xuân Thành gợi ý thành phố duy trì các hoạt động hỗ trợ chính sách an sinh xã hội cho người dân, ổn định thị trường tài chính, nhất là trái phiếu doanh nghiệp để tầng lớp trung lưu an tâm. Với nhà đầu tư nước ngoài, dòng vốn hai năm qua chững lại do lo ngại rủi ro pháp lý, là nguyên nhân cần sớm tháo gỡ qua cải thiện môi trường chính sách, đầu tư.

Bên cạnh đó, giai đoạn đến 2030, thành phố cần có giải pháp chuyển đổi cơ cấu, đầu tư gắn với tăng năng suất tổng hợp, tức gia tăng hiệu quả nền kinh tế. Trong đó, thành phố nên xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển giao các công nghệ như tự động hóa, vật liệu mới, bán dẫn, năng lượng sạch.

Hay việc TP HCM xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế trong tương lai cũng là yếu tố thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với việc tiếp tục cải cách hành chính, tổ chức các sự kiện lớn sẽ thu hút tiêu dùng, đầu tư, ông Nguyễn Đức Lệnh tin "làm tốt các giải pháp này thì dù không tăng trưởng hai chữ số cũng đạt được tốc độ cao".

Viễn Thông

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020