Chuyên mục  


George Barros, chuyên gia về Nga tại Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Mỹ, ngày 22/9 đăng ảnh do vệ tinh thương mại của công ty Maxar chụp, trong đó cho thấy miệng hố rộng khoảng 62 mét ở vị trí giếng phóng cùng nhiều dấu hiệu hư hại xung quanh bãi thử tại sân bay vũ trụ Plesetsk, tây bắc Nga.

"Đây là hậu quả từ vụ thử thất bại của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat hôm 21/9. Quả đạn có thể đã phát nổ ngay trên bệ phóng sau khi kích hoạt động cơ", Barros cho biết.

Chuyên gia này cho biết Mỹ không triển khai máy bay trinh sát RC-135S Cobra Ball, loại phi cơ thường được dùng để theo dõi các vụ thử tên lửa đạn đạo của nước ngoài. Vụ nổ có thể đã làm bùng phát đám cháy tại khu rừng gần đó, do dữ liệu vệ tinh cho thấy một số dấu hiệu nhiệt ở đây vào cùng thời điểm.

Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.

GYF-5C7XYAADfoU-jfif-1825-1727063922.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0m-b8papo0QKR0f89UQhkQ

Ảnh vệ tinh được cho là chụp bãi thử ở trung tâm vũ trụ Plesetsk của Nga trước và sau vụ phóng hôm 21/9. Ảnh: Maxar

Dự án tên lửa Sarmat được Nga khởi động năm 2011 để thay thế dòng R-36M lạc hậu. Nga lần đầu thử nghiệm tầng đẩy sơ tốc giúp tên lửa rời giếng phóng vào tháng 12/2017, kết quả cho thấy hệ thống phóng đạn vẫn còn gặp một số vấn đề. Hai đợt thử tầng đẩy sơ tốc tiếp theo diễn ra vào tháng 3 và 5/2018 đều thành công.

Tổng thống Vladimir Putin ngày 20/4/2022 thông báo Nga đã thử thành công quả đạn RS-28 Sarmat hoàn chỉnh với tầm bắn tối đa. Lần phóng thử hoàn chỉnh tiếp theo diễn ra hồi tháng 2/2023, nhưng dường như tên lửa gặp trục trặc và vụ phóng thất bại.

Mỗi quả đạn Sarmat dài 35,5 m, có đường kính 3 m, mang lượng nhiên liệu nặng 178 tấn và đạt tầm bắn trên 18.000 km. Đầu đạn cơ bản của Sarmat mạnh tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, được trang bị nhiều loại mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương.

Vụ phóng tên lửa Sarmat năm 2022. Ảnh: BQP Nga

Các đầu đạn có tốc độ tối đa hơn 25.000 km/h, sử dụng hệ thống dẫn đường độc lập để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau, cũng như có thể tự chuyển hướng trong giai đoạn hồi quyển để tránh bị đánh chặn. Tên lửa Sarmat cũng có thể mang được nhiều đầu đạn siêu vượt âm Avangard, giúp chúng đánh bại bất cứ hệ thống phòng thủ nào trên thế giới hiện nay.

Một số chuyên gia nhận định Sarmat còn sở hữu tính năng tương tự Hệ thống vũ khí tấn công từ quỹ đạo thấp (FOBS) được Liên Xô phát triển thời Chiến tranh Lạnh, trong đó đầu đạn bay nhiều vòng quanh Trái Đất ở quỹ đạo thấp rồi trở lại khí quyển và lao xuống mục tiêu với tốc độ lớn. Tên lửa Sarmat ước tính đạt tầm bắn khoảng 35.000 km nếu ứng dụng cơ chế FOBS.

Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 10/2023 công bố hình ảnh dây chuyền sản xuất hàng loạt quả đạn Sarmat, cho biết sẽ tiếp nhận tổng cộng 46 hệ thống tên lửa.

Loạt tên lửa đầu tiên nằm trong biên chế Sư đoàn Tên lửa Cờ đỏ số 62 đóng quân tại tỉnh Krasnoyarsk, cách thủ đô Moskva khoảng 3.000 km về phía đông. Chúng được đặt trong hầm phóng của tên lửa R-36M2 Voyevoda đời cũ do Liên Xô phát triển, giúp tiết kiệm nguồn lực và thời gian triển khai.

Phạm Giang (Theo Newsweek, RIA Novosti)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020