Chuyên mục  


Một tiêm kích F-11 Mỹ bay thử nghiệm. Ảnh: Grumman.

Bộ Quốc phòng Hà Lan ngày 6/4 xác nhận một tiêm kích F-16 của không quân nước này bị hư hại trong một sự cố "tự bắn chính mình" hồi đầu năm. Chiếc tiêm kích khai hỏa pháo M61 cỡ nòng 20 mm khi diễn tập tấn công mục tiêu mặt đất, sau đó bay vào đúng loạt đạn vừa được bắn ra. Ít nhất một viên đạn đã làm rách vỏ máy bay, một số mảnh đạn còn bị hút vào động cơ.

Phi công sau đó áp dụng quy trình khẩn cấp, đưa máy bay về hạ cánh an toàn ở căn cứ Leeuwarden. Không quân Hà Lan cho biết không có ai bị thương, nhưng từ chối tiết lộ mức độ thiệt hại của chiếc F-16. Đây không phải là sự cố tiêm kích tự bắn mình duy nhất, khi một phi công Mỹ đã có trải nghiệm tương tự với chiến đấu cơ F-11 năm 1956.

Ngày 21/9/1956, phi công thử nghiệm Thomas Attridge của tập đoàn Grunmman cất cánh trên tiêm kích F-11 Tiger số hiệu 138620 để thử nghiệm hệ thống vũ khí. Ông không biết rằng mình sắp gặp một trong những sự cố hy hữu nhất trong lịch sử hàng không thế giới, khi trở thành phi công đầu tiên bị bắn hạ bởi chính loạt đạn từ tiêm kích của mình.

Attridge điều khiển chiếc Tiger cất cánh từ Long Island, phía đông nước Mỹ và bay ra biển để bắt đầu cuộc thử nghiệm. Sau khi đạt tốc độ siêu thanh ở độ cao 6 km, ông cho máy bay chúi mũi 20 độ. Khi xuống đến độ cao 3,9 km, Attridge khai hỏa 4 khẩu pháo Colt Mk 12 cỡ nòng 20 mm trong vòng 4 giây, sau đó bật chế độ tăng lực và tiếp tục chúi mũi hạ độ cao.

Ở độ cao 2.100 m, chiếc Tiger khai hỏa lần hai để xả hết cơ số đạn mang theo và tiếp tục di chuyển với vận tốc siêu thanh. Chỉ một phút sau loạt đạn đầu tiên, Attridge bất ngờ phát hiện nắp kính buồng lái đột nhiên lõm vào trong, máy bay rung lắc và động cơ xuất hiện nhiều âm thanh lạ.

Attridge nghĩ rằng tiêm kích F-11F đã đâm phải một con chim, ông nhanh chóng giảm ga để ngăn kính buồng lái vỡ vụn, sau đó tìm cách về sân bay ở Long Island. Phi công thông báo cho đài chỉ huy về sự cố, cho biết cửa hút gió bên phải có lỗ thủng lớn, động cơ cũng chỉ còn 78% sức đẩy.

Sau khi bay được hơn ba km, máy bay chỉ còn cách mặt đất khoảng 365 m và khó lòng trở về sân bay với công suất động cơ hiện tại. "Tôi thử tăng ga và động cơ lập tức xuất hiện những tiếng ồn dữ dội", Attridge nhớ lại.

Động cơ ngừng hoạt động sau đó không lâu, buộc phi công thu càng và áp dụng quy trình hạ cánh khẩn cấp bằng bụng xuống khu rừng cách sân bay khoảng 800 m. Máy bay trượt dài 90 m giữa đám cây cối, mất toàn bộ cánh phải và cánh đuôi ngang. Nhiên liệu rò rỉ tạo ra đám cháy lớn, nhưng Attridge đã kịp thoát khỏi máy bay an toàn.

Chiếc F-11 số hiệu 138620 trước ngày xảy ra tai nạn. Ảnh: Grumman.

Trực thăng cứu hộ S-58 cũng bị hư hỏng cánh quạt do va vào cây cối khi tiếp cận Attridge, nhưng không có thêm sự cố nào xảy ra. Phi công thử nghiệm của Grumman bị gãy một chân và vỡ ba đốt sống, nhưng nhanh chóng phục hồi và trở lại làm việc chỉ sau 6 tháng.

Cuộc điều tra tai nạn kết luận chiếc F-11F đã trúng ba viên đạn 20 mm do chính nó bắn ra. Viên đầu tiên xuyên qua kính buồng lái, viên thứ hai phá thủng mũi máy bay, còn viên cuối cùng gây hư hại cửa hút gió bên phải, đánh trúng van điều khí và găm vào tầng nén đầu tiên của động cơ.

"Việc một máy bay tự bắn rơi chính mình là điều gần như không tưởng, bởi xác suất của tai nạn kiểu này là một phần một triệu. Không may là Attridge lại rơi trúng vào phần xác suất rất nhỏ đó", cây bút Kyle Mizokami của Popular Mechanics nhận xét.

Các điều tra viên cho biết loạt đạn bắn ra có sơ tốc đầu nòng rất lớn, cao hơn nhiều so với tốc độ của chiếc F-11F. Tuy nhiên, các viên đạn liên tục ma sát với không khí khiến vận tốc giảm đáng kể, trong khi máy bay lại tăng tốc do bật chế độ đốt tăng lực và bổ nhào.

Sau khi bay được 4-5 km, những viên đạn này có tốc độ ngang với máy bay và lao xuống phía dưới do trọng lực, vào đúng vị trí mà chiếc tiêm kích di chuyển được sau khi khai hỏa khiến nó trúng đạn. "May mắn là họ sử dụng đạn huấn luyện không chứa chất nổ hay gây cháy, nếu không Attridge khó lòng sống sót", Mizokami nói.

Sơ đồ mô tả đường đạn và hướng di chuyển của chiếc F-11F. Đồ họa: SBL.

"Nếu tiêm kích F-11F giữ hướng bay ban đầu, nó sẽ tránh được loạt đạn đó. Chính cú chúi mũi thứ hai đã đưa máy bay vào đúng đường đạn. Bản thân loạt đạn lúc đó di chuyển rất chậm, trong khi tiêm kích di chuyển rất nhanh, khiến chênh lệch tốc độ không thua kém sơ tốc đầu nòng của đạn và gây thiệt hại nặng nề", Mizokami nhận xét.

Chuẩn đô đốc William V. Davis, phó tư lệnh hải quân Mỹ, tiết lộ thông tin về sự cố trong một sự kiện ở thủ đô Washington sau đó 5 tuần. Hải quân Mỹ phải yêu cầu phi công tiêm kích đổi hướng hoặc kéo mũi máy bay lấy độ cao sau khi khai hỏa pháo chính để tránh sự cố tái diễn.

Tuy nhiên, Attridge tỏ ra không đồng tình. "Với tốc độ của các máy bay hiện nay, sự cố như vậy có thể xảy ra bất cứ lúc nào", ông nói.

Vũ Anh (Theo Popular Mechanics)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020