Chuyên mục  


nam-tran-1-17277753897742032814447.jpg

Hộ nuôi cá lồng trên biển ở Quảng Ninh gần như bị mất trắng tài sản do bão số 3 - Ảnh: NAM TRẦN

Đó là các ý kiến đề xuất của cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp tại tọa đàm Khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3: Bệ đỡ nào cho người dân, doanh nghiệp, do báo Tiền Phong tổ chức ngày 1-10.

Thiệt hại tài sản và cả cơ hội kinh doanh

Đánh giá mức độ ảnh hưởng của bão số 3, ông Trần Đình Luân - cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết những doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh và Hải Phòng bị thiệt hại nặng nề nhất. Ước tính có khoảng 14.000 lồng nuôi cá, tôm… trị giá trên 6.000 tỉ đồng bị mất trắng.

Không chỉ thiệt hại về tài sản, ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - lo ngại tổn thất lớn nhất đối với doanh nghiệp là cơ hội kinh doanh. Bão đã qua 20 ngày nhưng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chưa thể khôi phục hoàn toàn do chưa có tôn để lợp lại nhà xưởng.

Là địa bàn bị bão số 3 trực tiếp đổ bộ, ông Nguyễn Ngọc Sơn - phó chủ tịch UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) - chia sẻ sau bão, Hạ Long bị tàn phá như vừa có chiến tranh. Bão làm hư hại trên 1.000 trụ sở cơ quan, trường học, địa điểm kinh doanh. 23.000ha rừng bị đổ gãy hoàn toàn. Ước tính Hạ Long bị thiệt hại do bão khoảng 9.500 tỉ đồng, trong đó các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị tổn thất 3.700 tỉ đồng.

Đại diện doanh nghiệp có trụ sở ở Quảng Ninh, ông Đỗ Việt Thanh - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn TASECO - cho biết khách hàng mua nhà của doanh nghiệp mong mỏi từng ngày nhận được hỗ trợ từ phía ngân hàng. 

"Ngay sau khi bão tan, doanh nghiệp đã gửi văn bản đến 35 chi nhánh ngân hàng đề xuất được miễn giảm lãi vay cho khách hàng mua nhà. Nhưng sau 20 ngày, mới có 1 chi nhánh ngân hàng phản hồi sẽ hỗ trợ, còn các chi nhánh ngân hàng khác nói đang xin ý kiến hoặc không giảm lãi vay…" - ông Thanh kể.

Cần có chính sách chuyên biệt hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão

Phát biểu tại tọa đàm, ông Hoàng Quang Phòng - phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - đề xuất cần có cơ chế, chính sách chuyên biệt hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi bão và mưa lũ, nhất là những người dân bị mất trắng tài sản.

Mặt khác, chính sách, thủ tục để giãn, hoãn tiền thuế, giảm lãi suất… cần khẩn trương, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh sớm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện các doanh nghiệp đang chạy nước rút để đảm bảo cho đơn hàng cuối năm.

Đồng tình với việc có cơ chế hỗ trợ người dân bị thảm họa thiên tai, bà Hà Thu Giang - vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) - cho rằng chính sách cần đồng bộ.

Về phía ngành ngân hàng, ngoài việc đề nghị các ngân hàng thương mại chủ động giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho khách vay, Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo Chính phủ cho giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3. 

Như khoản vay thuộc lĩnh vực nông nghiệp, theo quy định tại nghị định 55 năm 2015, khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay. Đặc biệt, chính sách hiện hành cũng cho phép khoanh nợ tối đa 2 năm để hỗ trợ khách hàng.

Còn đối với các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng bởi bão số 3, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng. Đồng thời trình Chính phủ ban hành quyết định giữ nguyên nhóm nợ cho những khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Đối với địa phương, ông Nguyễn Ngọc Sơn - phó chủ tịch UBND TP Hạ Long - cho biết đang phối hợp cơ quan thuế, ngân hàng triển khai việc gia hạn, miễn, giảm tiền thuế, tiền lãi vay… để hỗ trợ kịp thời người dân và doanh nghiệp.

"Trường hợp người dân, doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp vì tài sản mất trắng hoặc có tài sản đang cầm cố ngân hàng, chúng tôi có nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với các hộ dân. Tuy nhiên số tiền được vay không nhiều", ông Sơn nói.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020