Chuyên mục  


Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9 của eurozone do S&P Global - hãng thông tin và phân tích của Mỹ - công bố đạt 45 điểm. Kết quả này nhỉnh hơn ước tính sơ bộ 0,02 điểm, nhưng kém xa ngưỡng 50, đồng nghĩa sản xuất khu vực này vẫn suy giảm.

Hoạt động sản xuất tại khu vực đồng euro đã chậm lại với tốc độ nhanh nhất từ đầu năm nay, do nhu cầu thấp bất chấp các nhà máy phải hạ giá sản phẩm. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - ghi nhận tình trạng xấu đi rõ rệt trong 12 tháng.

"Phục hồi của khu vực đồng euro từng được kỳ vọng vào đầu năm nay, giờ trở nên khá mờ nhạt. Niềm tin tương đối thấp và lĩnh vực sản xuất vẫn rất yếu", Natasha May, chuyên gia của JP Morgan Asset Management nhận xét.

Công nhân làm việc trong nhà máy ở Munich, Đức, ngày 5/12/2023. Ảnh: Reuters

Giá dầu giảm giúp hạ chi phí đầu vào, nhưng căng thẳng leo thang ở Trung Đông khiến doanh nghiệp châu Âu lo ngại ảnh hưởng đến sản xuất và giá cả quay đầu tăng. TS Cyrus de la Rubia, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại Hamburg (Đức) dự báo sản lượng công nghiệp quý III của eurozone giảm 1% so với quý trước đó.

Theo ông, những đợt cắt giảm việc làm nhỏ lẻ xuất hiện ngày càng tăng. Ngoài nhu cầu hạ, các công ty châu Âu còn đối mặt với khó khăn trong chuỗi cung ứng, tình huống hiếm gặp trong 30 năm qua trừ lúc đại dịch. "Lượng đơn đặt hàng mới đang ít đi, chúng tôi dự kiến sản lượng sản xuất giảm thêm vào cuối năm", ông nói.

Tại Anh, sản xuất vẫn ổn định, dù có phần chậm lại. Nhu cầu nội địa tăng giúp duy trì sản lượng trong 5 tháng qua, theo Rob Dobson - Giám đốc S&P Global Market Intelligence.

"Tuy nhiên, các nhà sản xuất lo ngại hơn về triển vọng sắp tới. Điều này cho thấy đợt tăng trưởng ấn tượng dần suy yếu, khi niềm tin kinh doanh xuống mức thấp nhất 9 tháng", ông nói. Các lý do chính là tâm trạng bi quan về gói ngân sách của chính phủ mới, lạm phát cao và bất an về Trung Đông.

Ở châu Á, chỉ số PMI khu vực do Ngân hàng Jibun (Nhật Bản) công bố giảm về 49,7 trong tháng 9, từ mức 49,8 tháng trước. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số này dưới ngưỡng 50 điểm. "Đơn hàng mới ít đi là yếu tố chính ảnh hưởng đến ngành sản xuất", Shivaan Tandon, chuyên gia kinh tế thị trường tại Capital Economics nhận định về PMI châu Á.

Tại Trung Quốc, PMI sản xuất tháng qua của Caixin/S&P Global - trang tin tức hàng đầu nước này - xuống còn 49,3 từ mức 50,4. Đây là ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 7/2023. Điều này đánh dấu trạng thái suy giảm, tức dưới 50. Sản xuất ở Nhật Bản cũng hạ, còn Đài Loan (Trung Quốc) chậm lại (50,8 điểm).

Hoạt động sản xuất cũng chững tại Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Tương tự, tăng trưởng sản xuất của Ấn Độ xuống mức thấp nhất 8 tháng khi các đơn hàng mới giảm sâu. "Nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục yếu trong những tháng tới và gây áp lực lên hoạt động ở châu Á trong ngắn hạn", Shivaan Tandon nhận định.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng các nền kinh tế châu Á sẽ "hạ cánh mềm" khi lạm phát giảm, tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ. IMF dự đoán tăng trưởng khu vực sẽ hạ từ 5% vào năm ngoái xuống còn 4,5% năm nay và 4,3% vào 2025.

Phiên An (theo Reuters, S&P Global)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020