Chuyên mục  


Nghị sĩ Yaroslav Zheleznyak hôm nay thông báo trên Telegram rằng quốc hội Ukraine đã phê chuẩn Quy chế Rome với 281 phiếu thuận trên tổng số 450 nghị sĩ.

Ukraine ký Quy chế Rome, hiệp ước thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế, năm 2000, nhưng quốc hội nước này lúc đó chưa phê chuẩn, do một số chính trị gia và quan chức quân sự bày tỏ lo ngại binh sĩ Ukraine có thể bị truy tố.

Nhà lập pháp đảng cầm quyền Yevgeniya Kravchuk cho biết trên Facebook rằng việc phê chuẩn của Ukraine được dựa trên tham chiếu Điều 124 Quy chế Rome, trong đó công dân Ukraine sẽ được miễn trừ truy tố tội ác chiến tranh trong 7 năm.

"Việc phê chuẩn Quy chế Rome sẽ tạo điều kiện để có nhiều cơ hội trừng phạt người Nga và tăng cường cô lập nước này hơn", bà nói.

Bên ngoài Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) tại The Hague, Hà Lan tháng 3/2021. Ảnh: Reuters

Năm ngoái, ICC ban hành lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên Tổng thống phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belov với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine sang Nga. Hồi tháng 6 năm nay, ICC cũng phát lệnh bắt Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov và cựu bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu, cáo buộc họ "gây tội ác chiến tranh".

Moskva phủ nhận mọi cáo buộc. Nga, nước không phải thành viên ICC, đã phát lệnh bắt với Chủ tịch ICC như động thái đáp trả.

"Ukraine đã hợp tác hiệu quả với ICC để đảm bảo trách nhiệm giải trình toàn diện cho mọi hành động của Nga trong cuộc chiến", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kubela viết trên X. "Công việc này giờ đây sẽ hiệu quả hơn nữa".

Ngoài ra, trở thành thành viên ICC được cho là một phần quan trọng trong nỗ lực của Ukraine để gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Ukraine từ lâu phải đối mặt với áp lực từ các nhóm nhân quyền và EU để phê chuẩn quy chế.

ICC, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, được thành lập năm 2002 để điều tra các tội ác nghiêm trọng nhất, trong đó có diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người. Không giống Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), ICC không truy tố các quốc gia mà chỉ nhắm vào các cá nhân. ICC không phải là cơ quan Liên Hợp Quốc nhưng được thành lập thông qua Đại hội đồng LHQ và duy trì thỏa thuận với tổ chức này.

ICC có 124 quốc gia thành viên, gồm 33 nước châu Phi, 19 nước châu Á - Thái Bình Dương, 28 nước Mỹ Latinh và Caribe, 19 nước Đông Âu, 25 nước Tây Âu và các nước khác. Tòa có những thành viên nổi bật như Anh, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Canada, Australia, Bỉ, Na Uy, Nam Phi....

Khi ICC phát lệnh bắt, các nước thành viên có nghĩa vụ thực thi nếu cá nhân đó đặt chân đến lãnh thổ của họ.

Thùy Lâm (Theo AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020