Chuyên mục  


Khalil al-Hayya, thành viên cấp cao của Hamas, ngày 24/4 nói với AP rằng tổ chức này sẵn sàng ký thỏa thuận ngừng bắn kéo dài hơn 5 năm cùng Israel. Hamas cũng sẵn sàng từ bỏ vũ khí và chuyển thành đảng chính trị nếu quốc gia Palestine độc lập được hình thành theo giải pháp "hai nhà nước".

Ông nói Hamas sẵn sàng tham gia Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) dẫn đầu bởi đảng Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas ở Bờ Tây, từ đó xây dựng một chính phủ thống nhất cho Dải Gaza lẫn Bờ Tây.

Ông nhấn mạnh Hamas sẽ chấp nhận "một quốc gia Palestine có đầy đủ chủ quyền ở Bờ Tây và Dải Gaza, và người tị nạn Palestine được hồi hương theo đúng các nghị quyết quốc tế", lấy ranh giới theo đường biên giới giữa Palestine và Israel trước năm 1967.

Trong "Cuộc chiến Sáu Ngày" vào năm 1967 với liên minh các nước Arab, Israel đã chiếm Đông Jerusalem, thiết lập kiểm soát thực địa trên toàn bộ thành phố. Luật pháp quốc tế coi Đông Jerusalem, Bờ Tây, Cao nguyên Golan và Dải Gaza là những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Khalil al-Hayya, thành viên cấp cao của Hamas, trả lời phỏng vấn AP tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/4. Ảnh: AP

Khalil al-Hayya khẳng định cánh quân sự của Hamas, còn được gọi là lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam, sẽ được giải thể một khi nhà nước Palestine độc lập ra đời.

"Mọi dân tộc đấu tranh chống lại lực lượng chiếm đóng đều thay đổi sau khi giành được độc lập, chủ quyền và kiến tạo quốc gia. Tổ chức ban đầu sẽ trở thành các đảng phái chính trị và lực lượng vệ binh sẽ trở thành quân đội quốc gia", ông nói trong cuộc phỏng vấn tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát ngôn của ông Khalil al-Hayya, thành viên cấp cao văn phòng chính trị của Hamas và cựu ủy viên Hội đồng Lập pháp Palestine đại diện cho thành phố Gaza, là bước nhượng bộ bất ngờ của lực lượng từng kiểm soát toàn bộ Dải Gaza, khác xa nhiều tôn chỉ tồn tại và đấu tranh xuyên suốt lịch sử tổ chức.

Hamas là viết tắt của Harakat al-Muqawama al-Islamiyya trong tiếng Arab, có nghĩa là Phong trào Kháng chiến Hồi giáo. Nhóm được hình thành từ năm 1987, đặt mục tiêu thành lập một nhà nước Hồi giáo của người Palestine trên vùng lãnh thổ được hoạch định trước năm 1948.

Phong trào này luôn xác định con đường duy nhất để hoàn thành sứ mệnh là đấu tranh bạo lực, do đó Hamas khước từ mọi giải pháp hòa bình và không công nhận nhà nước Israel.

Hamas đồng thời đối chọi về mặt chính trị và chiến lược với phong trào Fatah của Tổng thống Abbas ở Bờ Tây, bên được quốc tế công nhận là chính quyền Palestine chính thức.

Từ năm 2005, khi Israel rút quân đội và người định cư khỏi Dải Gaza, Hamas bắt đầu tham gia vào chính trị ở Palestine. Họ chiến thắng bầu cử quốc hội Palestine năm 2006, giao tranh với lực lượng Fatah và giành kiểm soát toàn bộ Dải Gaza từ năm 2007 đến trước cuộc chiến với Israel vào tháng 10/2023.

Biên giới Israel, Gaza, Bờ Tây theo thỏa thuận đình chiến năm 1949. Đồ họa: BBC

Tuyên bố được Khalil al-Hayya đưa ra trong bối cảnh đàm phán về lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza đã bế tắc nhiều tháng qua. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar Majed al-Ansari tuần qua nhận định các bên liên quan đàm phán Israel - Hamas "không thể hiện nghiêm túc trong đối thoại", do đó nỗ lực hướng tới lệnh ngừng bắn và trao đổi con tin đến nay vẫn chưa thành công.

Al-Hayya cảnh báo Hamas sẽ tiếp tục tồn tại bất chấp mọi phương án sử dụng vũ lực của Israel, kể cả khi quân đội Israel tiến đánh Rafah, thành phố lớn cuối cùng trên Dải Gaza. Ông khẳng định liên lạc giữa nhánh chính trị và nhánh quân sự của Hamas trong và ngoài Dải Gaza vẫn thông suốt trong hơn 6 tháng chiến sự.

"Israel phá hủy chưa đến 20% sức mạnh của Hamas, cả về nhân lực lẫn cơ sở. Họ không thể kết liễu Hamas. Nếu như vậy, chỉ nhượng bộ mới là giải pháp duy nhất cho mọi bên", ông bình luận.

Israel kiên quyết không từ bỏ mục tiêu đánh bại hoàn toàn Hamas sau khi tổ chức này mở cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10/2023 khiến hơn 1.200 người thiệt mạng.

Biên giới Israel, Gaza, Bờ Tây sau cuộc chiến tranh năm 1967. Đồ họa: BBC

Giải pháp hai nhà nước là ý tưởng thiết lập hai nhà nước có lãnh thổ tách biệt, trong đó một cho người Israel và một cho người Palestine.

Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Israel, muốn thúc đẩy giải pháp hai nhà nước nhằm chấm dứt xung đột ở Gaza với kế hoạch gồm thiết lập nhà nước Palestine, đảm bảo an ninh cho Israel và bình thường hóa quan hệ Israel - Arab Saudi. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tin rằng kế hoạch này sẽ đặt nền móng cho những thay đổi lâu dài và sâu rộng ở khu vực.

Tuy nhiên, Israel đến nay liên tục tránh né nối lại đàm phán và thực thi giải pháp "hai nhà nước", cũng như ngừng chiến dịch tấn công Hamas ở Dải Gaza.

Thanh Danh (Theo AP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020