Chuyên mục  


"Người Ukraine đang tự bảo vệ mình một cách can đảm và thông minh. Cái họ thiếu là hệ thống phòng không để chống lại các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng", người đứng đầu Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói trong cuộc tọa đàm ngày 24/4, đề cập xung đột Nga - Ukraine.

Ông cho biết Đức đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không và sẽ sớm chuyển giao cho nước này tổ hợp Patriot thứ ba. "Điều quan trọng bây giờ là phải bảo vệ được cơ sở hạ tầng", Pistorius nhấn mạnh, thêm rằng Berlin cam kết tiếp tục hỗ trợ Kiev trong thời gian tới.

Quan chức này cũng thừa nhận năng lực vượt trội của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Theo ông, Moskva đang chế tạo nhiều vũ khí, đạn dược hơn mức cần thiết cho cuộc chiến tại Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius trong cuộc tọa đàm ngày 24/4. Ảnh: WDR

Nhờ việc tăng ngân sách cho sản xuất vũ khí và tối ưu hóa nền kinh tế theo mô hình thời chiến, "một bộ phận đáng kể vũ khí Nga chế tạo không còn được đưa ra tiền tuyến, mà được cất vào kho dự trữ", Bộ trưởng Đức cho hay.

Điều này trái ngược với dự báo của giới chuyên gia phương Tây rằng Nga sẽ sớm cạn kiệt khí tài, đạn dược do hứng chịu tổn thất nặng trong xung đột tại Ukraine cũng như loạt lệnh cấm vận, trừng phạt của Mỹ và châu Âu.

Nhờ việc chuyển sang mô hình kinh tế thời chiến, cho các nhà máy công nghiệp quốc phòng hoạt động hết công suất để sản xuất hoặc tân trang khí tài, cũng như mua trang thiết bị từ các nước đối tác để lách lệnh trừng phạt, sức mạnh quân sự Nga đã phục hồi mạnh mẽ.

Giới chức Nga gần đây cho biết ngành công nghiệp quốc phòng nước này tăng gấp 4 lần sản lượng xe bọc thép, gấp 5 lần sản lượng xe tăng, lên 1.500 chiếc, đồng thời tăng sản xuất UAV và đạn pháo gấp gần 17 lần.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell hôm 3/4 cho biết Nga đã phục hồi gần 100% năng lực quân sự so với trước khi xung đột bùng phát tại Ukraine. Ông cảnh báo "năng lực mới" của Moskva không chỉ là "mối đe dọa" với Kiev, mà còn mang tới "thách thức lâu dài với sự ổn định ở châu Âu và đe dọa các đồng minh trong khối NATO".

Xe tăng T-90M Nga tại tỉnh Lugansk tháng 7/2023. Ảnh: RIA Novosti

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), trụ sở tại Anh, hồi tháng 2 nhận định Nga có đủ vũ khí dự trữ và năng lực sản xuất để bù đắp thiệt hại tại Ukraine trong ít nhất 2-3 năm.

Trong khi đó, Ukraine gần đây liên tục hứng chịu thất bại trên chiến trường, chủ yếu do thiếu hụt khí tài, đạn dược. Nước này không có năng lực sản xuất quốc phòng mạnh mẽ như Nga mà phải phụ thuộc vào nguồn cung từ phương Tây, vốn sụt giảm nghiêm trọng thời gian gần đây.

Tuy nhiên, tình hình sắp thay đổi trong thời gian tới, khi luật viện trợ gần 61 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine đã được Tổng thống Joe Biden ký ban hành hôm 24/4, sau nhiều tháng mắc kẹt tại quốc hội do vấp phải phản đối của đảng Cộng hòa.

Ngay sau khi luật được thông qua, chính phủ Mỹ đã công bố gói viện trợ trị giá một tỷ USD cho Ukraine, bao gồm lượng lớn tên lửa phòng không và đạn pháo, những thứ mà Kiev đang rất cần.

Phạm Giang (Theo N-TV, UP, TASS)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020