Chuyên mục  


Sự kiện trên diễn ra trong khuôn khổ hội thảo “Nông nghiệp đô thị: Lợi ích kép cho người dân đô thị” do báo Kinh Tế - Đô Thị tổ chức tại TP.HCM ngày 6-6.

Ở thành phố cũng nuôi được mực biển

Theo kỹ sư Nguyễn Ngọc Thạnh - giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học MEGA, Aquaponics - mô hình kết hợp nuôi trồng thủy sản tuần hoàn và trồng cây thủy canh - đang nổi lên như một giải pháp tiềm năng cho nông nghiệp đô thị.

Bể nuôi mực lá của Công ty TNHH Công nghệ sinh học MEGA tại hội thảo

Dựa trên nguyên tắc chất thải từ quá trình nuôi cá được vi sinh vật chuyển hóa thành dinh dưỡng cho cây trồng, mô hình này không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ông Thạnh cho biết ưu điểm nổi bật của Aquaponics là khả năng tận dụng không gian nhỏ hẹp, phù hợp với điều kiện đô thị. Với diện tích chỉ 5m2, mô hình có thể đạt năng suất 80kg cá và 2,5kg rau mỗi tháng.

Đồng thời, hệ thống không đòi hỏi kỹ thuật vận hành phức tạp, giúp người nông dân tận dụng tốt thời gian nhàn rỗi.

Công ty MEGA đã triển khai thành công Aquaponics từ năm 2016, nuôi nhiều loài thủy sản nước ngọt và trồng đa dạng rau, củ, quả. Đặc biệt, MEGA là một trong số ít đơn vị chủ động ứng dụng Aquaponics nước mặn và lợ, nhờ công thức pha nước biển nhân tạo và giống rau chịu mặn.

Hiện tại, công ty đang tập trung nghiên cứu ươm nuôi mực lá trong hệ thống Aquaponics. Trứng mực được vận chuyển từ miền Trung, ấp nở và ươm nuôi trong môi trường tuần hoàn, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Đối với mực nhỏ trọng lượng 50g bắt từ biển, chúng tôi đã đưa về Long An và nuôi trong bể đến trọng lượng 200g và bán ra thị trường. Đây sẽ là một trong những mô hình kinh tế mới của việc nuôi biển ngay trong đất liền trong thời gian tới", ông Thạnh cho biết.

Quốc tế làm nông nghiệp đô thị như thế nào?

nong-nghiep-do-thi-1-17176802773792132760548.jpg

Nông nghiệp đô thị ngoài chức năng cung cấp thực phẩm, còn có chức năng giáo dục nông nghiệp, cung cấp các hoạt động trải nghiệm tự nhiên cho học sinh và người dân - Ảnh: TRẦN MẠNH

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các mô hình nông nghiệp đô thị mang lại thành công đáng khích lệ. Tại Thái Lan, ý tưởng về "vườn rau đô thị" và các mô hình cụ thể đã được triển khai ở nhiều thành phố lớn nhằm nâng cao năng lực tự cung cấp lương thực của người dân.

Trong khi đó, Trung Quốc tập trung vào hiệu quả sản xuất cao trên đơn vị diện tích do quỹ đất hạn chế, ứng dụng công nghệ thủy canh thông minh, vật trồng không cần đất, hệ thống chiếu sáng LED và các giải pháp IoT để tự động hóa và quản lý từ xa.

Qua các bài học kinh nghiệm từ Thái Lan và Trung Quốc, có thể thấy nông nghiệp đô thị không chỉ mang lại nguồn cung thực phẩm tươi, chất lượng, an toàn cho người dân thành thị, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, mà còn có thể khai thác hiệu quả quỹ đất hạn hẹp thông qua các mô hình canh tác sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao.

Hướng đi tất yếu của TP.HCM

Theo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - tổng biên tập báo Kinh Tế và Đô Thị, phát triển nông nghiệp đô thị là một xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng cao.

Điều này đặc biệt đúng với một siêu đô thị như TP.HCM. Những lợi ích mà nông nghiệp đô thị có thể mang lại rất đa dạng, từ việc phủ xanh đô thị, làm giảm khí thải nhà kính cho đến cung cấp nguồn thực phẩm an toàn tại chỗ cho người dân.

nong-nghiep-do-thi-3-1717680338200629967642.jpg

Nông nghiệp đô thị tại TPHCM có lịch sử phát triển tương đối lâu dài nhưng vẫn mang tính tự phát nhỏ lẻ so với tiềm năng và thế mạnh - Ảnh: TRẦN MẠNH

TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, khẳng định nông nghiệp đô thị tại TP.HCM rất đa dạng, từ trồng rau, nuôi thủy sản, làm hoa, cây cảnh đến xử lý nước thải, chất thải hữu cơ làm phân bón...

Không chỉ tận dụng được các khoảng đất trống trong thành phố, nông nghiệp đô thị còn có thể được triển khai trên mái nhà, ban công của các hộ gia đình.

Chuỗi cung ứng ngắn từ nông nghiệp đô thị giúp giảm chi phí, lãng phí và ô nhiễm từ bao bì, đóng gói. Thực phẩm phục vụ ngay cho người tiêu dùng sẽ tươi, sạch và có giá trị dinh dưỡng cao hơn. Đây là xu hướng phù hợp với nhu cầu về thực phẩm an toàn của người dân TP.HCM ngày càng tăng.

TP.HCM đã phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp đô thị vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng lớn này, thành phố vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020