Hơn hai tháng tạm dừng khai thác hoạt động bay, trong tháng 6-2024 Pacific Airlines sẽ trở lại "đường đua" - Ảnh: PA
Vietnam Airlines sẽ chuyển tàu sang Pacific Airlines
Nguồn tin Tuổi Trẻ Online tại Vietnam Airlines, giữa Vietnam Airlines và Pacific Airlines đang thỏa thuận đến bước cuối cùng để chuyển tàu bay sang Pacific Airlines trong tháng 6-2024 nhằm tiếp tục hoạt động.
Vietnam Airlines đang sở hữu Pacific Airlines, tức là công ty mẹ. Tháng 3-2024, Pacfic Airlines thỏa thuận với chủ tàu xóa nợ hơn 3.000 tỉ đồng. Hãng buộc phải trả tất cả tàu tại Việt Nam cho chủ tàu.
Do đó, hơn hai tháng qua, Pacific Airlines là hãng bay duy nhất Việt Nam hoạt động nhưng không có máy bay khai thác.
Cục Hàng không Việt Nam đã ra nhiều văn bản, thúc Vietnam Airlines và Pacific Airlines tiến hành phương án để tiếp tục khai thác, sớm trở lại phục vụ khách hàng.
Tuy nhiên, giữa hai hãng vẫn còn nhiều vướng mắc trong cơ chế giá thuê, phương án chuyển tàu khai thác...
Cuối tháng 6-2024, theo nguồn tin Tuổi Trẻ Online, Vietnam Airlines đã thống nhất chuyển một máy bay sang Pacific Airlines để khai thác.
Pacific Airlines đang xây dựng kế hoạch thuê khô (chỉ thuê máy bay, không gồm tổ lái) 3 máy bay từ Vietnam Airlines để duy trì số lượng tàu tối thiểu nhằm giữ giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC).
Mở rộng phục vụ dịch vụ mặt đất cho ba hãng bay
Trong quá trình tạm dừng bay, Pacific Airlines vẫn "sáng đèn" duy trì lực lượng lao động nhờ phục vụ mặt đất cho Bamboo Airways, Vietstar, Vasco.
Từ ngày 1-6, Pacific Airlines mở rộng dịch vụ, cung cấp xe chở khách cho Công ty bay dịch vụ hàng không VASCO - đơn vị thành viên trong Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco).
Bình quân mỗi ngày VASCO khai thác khoảng 20 chuyến bay đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất, các ngày cao điểm cuối tuần số chuyến bay tăng lên gần 30 chuyến đi và đến mỗi ngày.
Theo các hãng bay, tình trạng thiếu máy bay đang diễn ra căng thẳng, tải cung ứng giảm nên giá vé máy bay sẽ khó giảm như kỳ vọng. Vietnam Airlines, Vietjet đang dừng bay trên hơn chục tàu để bảo dưỡng động cơ trên máy bay Airbus A321neo, có thể đến năm sau mới hoàn tất.
Bamboo Airways sau tái cấu trúc giảm từ 30 hiện còn 5 máy bay, Vietravel Airlines có 3 máy bay.
Cùng với đó, chi phí nhiên liệu bay vẫn neo cao, tỉ giá tăng mạnh cũng ảnh hưởng lớn hoạt động của các hãng.
Để tăng thêm máy bay, cải thiện năng lực cung ứng trên thị trường nội địa theo các hãng lúc này cũng gần như bất khả thi khi cả thế giới cũng thiếu máy bay.
Ông Trương Việt Cường - phó tổng giám đốc Bamboo Airways - dẫn ví dụ giai đoạn Tết, Bamboo Airways thuê ướt tàu (gồm cả phi công, tiếp viên) với giá 3.000 USD một giờ, thì hiện nay tăng đến 4.500 USD một giờ nhưng cũng không thể tìm được tàu.
Thuê ướt đã khó như vậy thì thuê khô càng không có hy vọng.