"Trẻ hóa" hội viên là 1 trong những vấn đề trọng tâm của Hội Nhà văn Việt Nam nói chung và các hội nhà văn địa phương. Đầu năm 2025, Hội Nhà văn TP.HCM kết nạp hơn 1/3 tác giả trẻ (dưới độ tuổi 40) trong tổng số hội viên mới.
Phần lớn tác giả trẻ mới vừa vào hội đã có giải thưởng văn chương, có sáng tác được biết đến trên văn đàn. Nhiều nhà văn trẻ nhìn thấy sự tích cực trong hoạt động hội.
Nhà văn Như Hiền (giải thưởng Cuộc vận động sáng tác dành cho thiếu nhi, Hội Nhà văn VN)
Theo tôi, nhiều tác giả trẻ hiện nay chưa mặn mà lắm với việc vào hội. Tuy nhiên, họ sẽ vào hội nếu hiểu đúng về hội. Quan điểm của một vài cây bút trẻ tôi quen biết là vào hội hay không vào hội thì họ cũng viết, cũng đặt tiêu chí tác phẩm lên trên hết, chứ không bị ràng buộc bởi cơ quan nào. Đó có thể là lý do nhiều bạn trẻ thờ ơ với hội. Tuy nhiên, nhìn vào số lượng những cây bút trẻ được kết nạp vừa rồi, có thể thấy quan điểm của các cây bút trẻ về hội đã thay đổi nhiều.
Nhà văn Như Hiền
Một trong những sự kiện khiến mọi người thay đổi nhận thức về việc vào hội đến từ Hội nghị những người viết trẻ lần V. Tôi hy vọng rằng, tiếp nối hội nghị này, sẽ còn có nhiều hoạt động, chương trình lấy người viết trẻ làm trung tâm. Điều này không chỉ giúp người trẻ có sân chơi, mà còn là cách thu hút họ đến với hội.
Với cá nhân tôi, không phủ nhận trước đây tôi cũng đã từng có suy nghĩ "thờ ơ" giống như vậy. Tham gia viết lách đã lâu nhưng nhiều năm liền chưa có ý định vào hội. Thật may mắn, chỗ làm việc của tôi lại gần Hội Nhà văn TP.HCM, mỗi lần bên hội có sự kiện ra mắt sách, hội thảo về những tác giả tôi quan tâm thì tôi thường ghé qua ngồi nghe. Nhiều lần được nghe các bậc tiền bối nói về nghề, được chia sẻ kinh nghiệm viết lách, hay đơn giản chỉ là dự phần vào một sự kiện văn chương cũng khiến mình vỡ ra được nhiều bổ ích cho việc sáng tác.
Trở thành hội viên là một cột mốc quan trọng trong con đường văn chương của tôi. Niềm vui lớn là khi những tác phẩm của mình được ghi nhận. Bên cạnh đó, việc này cũng khích lệ tôi rất nhiều cho chặng đường sắp tới.
Sống ở một đô thị hiện đại bậc nhất, văn chương trẻ TP.HCM vô cùng sôi động với nhiều khuynh hướng và cách tân trong lối viết. Nhiều bạn đã tận dụng được ưu thế của mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube... để quảng bá tác phẩm và nhiều cây bút đã sống được với nghề viết.
Là một người mới ở chặng đầu của con đường viết lách, đôi khi tôi cũng băn khoăn khi thấy xung quanh mình quá nhiều những bậc tiền bối đã đào sâu, đã viết rất hay về những đề tài tôi quan tâm. Tuy nhiên, tôi nghĩ lợi thế của người trẻ là thời gian nên tôi sẽ làm theo lời khuyên của một nhà văn tiền bối là: "cứ viết thôi". Thử sức ở những đề tài mới, nghiền ngẫm và đào sâu hơn. Tôi nghĩ rằng, văn chương không chỉ cần có tài năng mà còn cần sự tôi luyện và bền bỉ. Nếu bản thân mình cố gắng, có lẽ đến một ngày nào đó sẽ viết được một tác phẩm khiến người đọc nhớ đến mình...
Nhà thơ Đoàn Nguyễn Anh Minh (Giải thơ của Đại học Quốc gia TP.HCM):
Tôi nghĩ mình gia nhập hội trước hết bởi tôi là một công dân Việt Nam, đồng thời cũng là một đại diện của thế hệ viết trẻ đương thời. Điều thôi thúc tôi không phải là danh xưng hay bất kỳ lợi ích nào hội có thể mang lại, mà chính là niềm tin mãnh liệt rằng, sự hiện diện dù nhỏ bé của một người trẻ như tôi cũng có thể góp phần khơi nguồn cảm hứng và tạo động lực để hội không ngừng phát triển.
Nhà thơ Đoàn Nguyễn Anh Minh
Tôi mong rằng hội sẽ luôn giữ vững hình ảnh của một điểm tựa đáng tin cậy, nơi thế hệ trẻ - dù đã là thành viên hay chưa - đều có thể gửi gắm trọn vẹn năng lực và những đứa con tinh thần của mình.
Tôi sẽ tiếp tục viết, chừng nào còn có thể, với hy vọng rằng con đường ấy sẽ phần nào truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ phía sau, để họ tiếp tục tiến lên cùng chúng tôi.
Nhà văn Nguyễn Đinh Khoa (Giải Tác giả trẻ 2024, Hội Nhà văn TP.HCM):
Việc gia nhập hội, một tổ chức uy tín, quy tụ nhiều văn nghệ sĩ, mang đến cho tác giả trẻ cơ hội giao lưu, học hỏi từ các thế hệ đi trước, đồng thời nhận được hỗ trợ xuất bản, quảng bá tác phẩm và tham gia các sự kiện văn học. Tuy nhiên, khoảng cách thế hệ cũng có thể tạo ra những rào cản, khiến họ băn khoăn về khả năng hòa nhập và tiếp cận kiến thức.
Sự năng động của thành phố tạo ra một môi trường cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực văn chương nên các tác giả trẻ TP.HCM dường như cởi mở hơn về các đề tài về đời sống xã hội hiện đại. Họ không ngại thử nghiệm những hình thức biểu đạt ý tưởng mới cũng như luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo để tạo dấu ấn riêng cho mình.
Nhà văn Nguyễn Đinh Khoa
Tôi cho rằng đây là một môi trường để tôi có thể định vị lại bản thân và tác phẩm của mình trong dòng chảy văn học đương đại. Tôi mong muốn được hiểu rõ hơn về các xu hướng viết hiện tại, từ đó mở ra những đề tài mới mẻ và làm phong phú thêm vốn văn chương của mình.
Tôi hy vọng các tác giả trẻ sẽ nhiều thử nghiệm những hình thức viết mới, kết hợp nhiều thể loại và phương tiện biểu đạt khác nhau để tạo ra những tác phẩm độc đáo hơn.
Dịch giả Nguyễn Hữu Phước (Giải Văn học dịch 2023, Hội Nhà văn TP.HCM):
Văn trẻ TP.HCM hiện nay có những nét khác biệt so với nhiều địa phương khác. Đây là một vùng đất năng động, đa dạng về văn hóa và có sự giao thoa mạnh mẽ giữa truyền thống và hiện đại. Điều này tạo nên một môi trường sáng tác phong phú, cởi mở, và nhiều màu sắc hơn. Các tác giả trẻ tại đây thường khai thác những vấn đề đương đại, xu hướng toàn cầu hoặc câu chuyện cá nhân với cách tiếp cận mới mẻ, sáng tạo, nhưng không vì thế mà bỏ qua các giá trị văn hóa địa phương.
Dịch giả Nguyễn Hữu Phước
Khi gia nhập hội, tôi cho rằng mục tiêu chính là được kết nối với những người cùng chung đam mê, học hỏi từ các thế hệ đi trước và tìm kiếm cơ hội để tiếng nói của mình được lan tỏa rộng hơn. Tôi kỳ vọng sức trẻ sẽ mang lại nguồn năng lượng mới, sự sáng tạo, và những cách nhìn đa chiều cho hoạt động văn chương hiện nay, góp phần làm mới diện mạo nền văn học nước nhà.
Với vai trò là một tác giả một dịch giả, tôi sẽ tập trung vào việc sáng tác, dịch thuật những tác phẩm chất lượng, có giá trị về cả nội dung lẫn nghệ thuật. Đồng thời, tôi cũng sẵn lòng tham gia các hoạt động như giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tổ chức sự kiện văn chương, hoặc hỗ trợ các thế hệ kế cận, để cùng nhau phát triển một nền văn học bền vững và giàu sức sống.
Tỷ lệ trẻ còn quá ít
Là người có nhiều năm nghiên cứu về sáng tác trẻ, TS Hà Thanh Vân cho biết: Theo thống kê mới đây của Hội Nhà văn Việt Nam, tỷ lệ hội viên trẻ trong hội (tính đến tuổi 40) chỉ xấp xỉ 4%, còn nếu từ 35 tuổi trở xuống, con số này chỉ vào khoảng 1,7%. Tình hình tương tự có thể nhìn thấy ở 2 hội địa phương lớn là Hà Nội và TP.HCM. Hội Nhà văn TP.HCM mấy năm gần đây liên tiếp kết nạp nhiều tác giả trẻ, nhưng tỷ lệ dưới 50 tuổi chỉ là 9%. Còn Hội Nhà văn Hà Nội thì tỷ lệ tác giả trẻ dưới 40 tuổi là 6%.
TS Hà Thanh Vân
Các tác giả trẻ ngày nay, họ có sân chơi riêng, độc giả riêng cho mình, và bản thân họ cũng rất thực tế, nhất là hiện nay, với sự phát triển của các phương tiện công nghệ hiện đại, mà mạng Internet là rõ thấy nhất, các tác giả trẻ có một kênh để sáng tác và quảng bá hiệu quả, thu hút đông đảo độc giả.
Ngoài việc phổ biến sách in giấy theo kiểu truyền thống, ngoài việc quảng bá trên báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng, thì ngày nay, mạng xã hội và sự kết nối online của thời đại 4.0 đã trở thành nơi mà tiếng nói và cá nhân tác giả trở nên rõ nét hơn bao giờ hết, thể hiện rõ con người và tác phẩm của tác giả trẻ, khiến họ thấy không cần thiết vào hội. Vì vậy tôi cho rằng cần có sự thay đổi trong những hoạt động của hội để thu hút các tác giả trẻ. Ít nhất cũng phải có sự ưu ái trên nhiều phương diện: tài trợ sáng tác, thường xuyên mở các trại sáng tác cho các tác giả trẻ, thậm chí mở các khóa dạy sáng tác cho người viết trẻ, kêu gọi các Mạnh thường quân yêu văn chương giúp đỡ vật chất, tạo điều kiện cho người sáng tác trẻ… và đặc biệt tôi cho rằng những hoạt động này không chỉ dành cho hội viên, mà còn dành cho các tác giả trẻ ngoài hội. Họ có thể đăng ký và Ban nhà văn trẻ cùng với lãnh đạo hội xét duyệt công tâm.
Những tờ báo văn nghệ từ trung ương đến địa phương cần chú trọng dành đất cho nhiều tác giả trẻ khác nhau, đến từ nhiều vùng miền, địa phương để có sự phong phú, đa dạng hơn về mặt nội dung.