22 bang do đảng Dân chủ lãnh đạo cùng với thủ đô Washington và thành phố San Francisco ngày 21/1 đệ đơn kiện lên tòa án liên bang ở Boston và Seattle, khẳng định Tổng thống Donald Trump đã vi phạm hiến pháp khi ra lệnh bãi bỏ quyền tự động cấp quốc tịch cho bất kỳ ai sinh ra trên đất Mỹ, quyền được bảo đảm bởi Tu chính án thứ 14.
Hai vụ kiện tương tự cũng được Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ, các tổ chức nhập cư và một thai phụ đệ đơn trong những giờ sau khi Tổng thống ký sắc lệnh hành pháp, mở đầu cho cuộc chiến pháp lý lớn đầu tiên của chính quyền Trump.
Sắc lệnh của ông Trump ngăn chính quyền liên bang cấp hộ chiếu, giấy chứng nhận quốc tịch hoặc các giấy tờ khác cho trẻ em có mẹ đang ở Mỹ bất hợp pháp hoặc tạm thời, và có cha không phải là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, hôm 20/1. Ảnh: AP
Theo văn phòng Tổng chưởng lý Massachusetts Andrea Joy Campbell, khi đi vào thực hiện, lệnh của Tổng thống Trump sẽ lần đầu tiên từ chối quyền công dân đối với hơn 150.000 trẻ em sinh ra hàng năm tại Mỹ.
"Tổng thống Trump không có thẩm quyền tước bỏ các quyền hiến định", Campbell cho biết trong một tuyên bố.
"Lệnh hành pháp của Tổng thống nhằm hủy bỏ quyền công dân theo nơi sinh là hoàn toàn vi hiến", Tổng chưởng lý California Rob Bonta phát biểu. "Chúng tôi yêu cầu tòa án ngay lập tức chặn lệnh này và đảm bảo rằng quyền của những trẻ em sinh ra tại Mỹ vẫn có hiệu lực trong khi vụ kiện tiếp diễn".
Tổng chưởng lý New Jersey Matthew Platkin nhấn mạnh vụ kiện gửi đi thông điệp rõ ràng tới chính quyền Trump rằng chúng tôi sẽ bảo vệ người dân và các quyền hiến định cơ bản của họ.
Các bang cho biết việc mất quyền công dân sẽ khiến những cá nhân bị ảnh hưởng không thể tiếp cận các chương trình liên bang như bảo hiểm y tế Medicaid và khi họ lớn tuổi hơn, không được làm việc hợp pháp hoặc bỏ phiếu.
Sắc lệnh của Tổng thống Trump, nếu được duy trì, sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ông ký. Ông thừa nhận khi đặt bút ký rằng sắc lệnh có khả năng phải đối mặt những thách thức pháp lý. "Tôi nghĩ chúng tôi có lý do chính đáng, nhưng bạn có thể đúng. Ý tôi là, chúng ta rồi sẽ biết chuyện gì sẽ đến thôi", Tổng thống nói.
Ông còn đưa ra thông tin sai rằng Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới cấp quyền công dân theo nơi sinh. Trên thực tế, hàng chục quốc gia khác cũng làm tương tự, trong đó có các nước láng giềng Canada và Mexico.
Tu chính án thứ 14 được quốc hội Mỹ phê chuẩn vào năm 1868 nêu rõ "tất cả những người sinh ra ở Mỹ hoặc nhập tịch, nằm trong quyền tài phán của Mỹ, đều là công dân Mỹ và bang nơi họ cư trú". Chính sách này nhằm đảm bảo con cái của những nô lệ được đưa tới Mỹ trái với ý muốn của họ đều được công nhận là công dân Mỹ.
Giới quan sát cho rằng ngôn ngữ trong Tu chính án thứ 14 rất rõ ràng, khẳng định bất kỳ ai sinh ra trên lãnh thổ của Mỹ đều mặc nhiên trở thành công dân. Quyền này còn được gọi là jus soli, tức là "quyền của người sinh ra trên lãnh thổ".
Kể từ đó, quyền này đã được áp dụng cho mọi trẻ em sinh ra tại Mỹ, bất kể bố mẹ của đứa trẻ là người nhập cư bất hợp pháp hay đến Mỹ bằng thị thực du lịch hoặc du học sinh.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, ông Trump và các đồng minh luôn coi đây là "quy định lố bịch", thúc đẩy nhiều người đến Mỹ bất hợp pháp hoặc "du lịch sinh con". Họ nhấn mạnh quyền này đang bị lạm dụng và cần siết chặt các điều kiện trở thành công dân Mỹ.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters)