Chuyên mục  


Tại cuộc gặp của Thường trực Chính phủ và 200 doanh nhân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam sáng 4/10, bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó chủ tịch thường trực Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) cho rằng Chính phủ cần có những chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước. Việc này để tăng lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế và tạo thặng dư, đóng góp thêm cho ngân sách.

Theo đại diện doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng này, một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines có chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân tiêu dùng, mua sắm. Hoặc, Singapore cấp phiếu mua sắm với các chương trình hỗ trợ tài chính tương tự.

"Với Việt Nam, nên chăng xem xét việc cung cấp phiếu mua sắm - voucher đến người dân, sử dụng trong thời hạn nhất định. Những voucher này sẽ giúp cân đối giữa những mặt hàng cần kích cầu và nhu cầu thực tế người dân", bà Ngọc đề xuất.

Theo bà, cách thức này giúp hàng hóa, dịch vụ được lưu thông, Nhà nước thu được ngân sách, hệ sinh thái logistic và các dịch vụ đi kèm được phát triển. Chưa kể, đây cũng là một cách giảm thuế thu nhập cá nhân cho người dân, nhằm kích cầu tiêu dùng.

Bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó chủ tịch thường trực TTC Group phát biểu tại cuộc gặp Thường trực Chính phủ và cộng đồng doanh nhân, ngày 4/10. Ảnh: VGP

Sinh năm 1962, bà Huỳnh Bích Ngọc được giới kinh doanh gọi là "nữ hoàng mía đường" khi giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT). Bà cũng là vợ ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT TTC Group. Hiện tại, bà giữ vai trò Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng giám đốc TTC Group.

Thị trường trong nước được coi là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế. Do vậy, việc kích cầu tiêu dùng nội địa là chìa khóa quan trọng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Thực tế, hậu Covid19, Chính phủ đã có nhiều chính sách kích cầu kinh tế như hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thuế phí, đặc biệt là hạ 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các ngành hàng dịch vụ, tiêu dùng chịu thuế suất 10% tới hết 2024. Khác với các loại thuế khác, VAT có đặc điểm quan trọng là gánh nặng thuế được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, nên khi giảm, cả hai nhóm này sẽ cùng được hưởng lợi.

Tại chỉ thị mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc tới các giải pháp để tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Ông yêu cầu các bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI. Bộ Công Thương có giải pháp khuyến khích các sàn thương mại điện tử có chương trình tiêu thụ sản phẩm, hàng sản xuất trong nước.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Hiện thị trường bán lẻ của Việt Nam đạt 180 tỷ USD. Tuy vậy, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng giám đốc Công ty WinCommerce - Tập đoàn Masan đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam cho rằng tỷ lệ bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Việt Nam đặt mục tiêu tới 2030, tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa doanh thu dịch vụ tại cơ sở bán lẻ hiện đại đạt 42% tiêu dùng của nền kinh tế. Để đạt mục tiêu này, đại diện Masan kiến nghị các bộ ngành liên quan sớm hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào các giải pháp chiến lược.

Ngoài thị trường trong nước, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết khi mang sản phẩm, dịch vụ ra nước ngoài, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, dù khảo sát kỹ càng, họ cũng không thể lường trước được những xung đột, diễn biến chính trị ở các quốc gia. Cùng với đó, khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ cũng là rào cản với họ.

Hiện Viettel đầu tư tại 13 quốc gia với 24 dự án trong các lĩnh vực viễn thông, nghiên cứu phát triển, xây lắp, bưu chính với tổng số vốn là 1,5 tỷ USD. Chủ tịch Viettel nói họ cần các "điểm tựa chính sách" khi kinh doanh tại các thị trường nước ngoài, nhất tại những nước Việt Nam chưa có sứ quán, bảo hộ đầu tư. "Cần có chiến lược hoặc nghị quyết về lĩnh vực này để doanh nghiệp tự tin đi ra nước ngoài", ông Thắng nói.

Phương Dung

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020