Người dân sống dọc bờ biển miền nam bang Florida của Mỹ đã sơ tán hàng loạt trong ngày 8/10, trước thời điểm siêu bão Milton đổ bộ. Giới chức cho biết đây là đợt sơ tán lớn nhất kể từ bão Irma vào năm 2017.
Trái ngược với cảnh sơ tán hối hả ở dưới mặt đất, một máy bay WP-3D Orion của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) cùng ngày lại bay thẳng vào tâm bão Milton ở vùng biển phía tây nam bang Florida, theo video do cơ quan này đăng.
Chuyến bay vào tâm bão Milton ở vùng biển Florida ngày 8/10. Video: NOAA
Dù dữ liệu từ vệ tinh đã giúp cải thiện đáng kể khả năng phát hiện bão trước khi nó hình thành, vẫn có một số nhiệm vụ dự báo bão quan trọng mà công nghệ này không thể làm được. Ảnh vệ tinh không thể giúp xác định áp suất khí quyển bên trong cơn bão, cũng như không thể cung cấp thông tin chính xác về sức gió. Trong khi đó, giới chức cần những dữ liệu này để có thể dự đoán gần chính xác sự phát triển và hướng đi của cơn bão.
Do tàu thuyền thường quá chậm và khó có thể hoạt động tốt trong điều kiện biển động, phương pháp hữu hiệu nhất để thu thập các thông tin quan trọng về bão là bằng máy bay.
"Vệ tinh không thể làm được những điều mà chúng tôi có thể", Dean Legidakes, phi công của NOAA, cho biết. "Chúng tôi phải đi sâu vào các cơn bão và đo đạc những thông số quan trọng".
Được gọi là các "thợ săn bão", Phi đoàn Trinh sát Thời tiết số 53 và NOAA là hai đơn vị ở Mỹ chuyên đảm nhận nhiệm vụ lao vào tâm bão để thu thập dữ liệu. Phi đoàn 53 trực thuộc Không đoàn số 43, đồn trú tại căn cứ không quân Keesler ở thành phố Biloxi, bang Mississippi.
Theo mô tả trên website của Không đoàn 34, Phi đoàn 53 có nhiệm vụ trinh sát các cơn bão ở Đại Tây Dương, Biển Caribe, Vịnh Mexico và Thái Bình Dương cho Trung tâm Bão Quốc gia ở thành phố Miami, bang Florida.
Phi đoàn đang vận hành 10 máy bay WC-130J Weatherbird. Đây là biến thể mới nhất của dòng phi cơ thu thập thông tin thời tiết WC-130, được chế tạo trên cơ sở vận tải cơ "ngựa thồ" C-130J.
Máy bay WC-130J của Phi đoàn 53 cất cánh để bay vào tâm bão Milton hôm 8/10. Video: Không quân Mỹ
C-130 Hercules là máy bay vận tải hạng trung bốn động cơ tuốc bin cánh quạt, được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ vận tải, chuyển quân, cứu thương và có khả năng cất hạ cánh trên đường băng ngắn (STOL). Thân của nó có thể thay đổi để đáp ứng được nhiều vai trò, gồm máy bay vũ trang hạng nặng, tấn công trên không, tìm kiếm cứu hộ, tiếp dầu trên không và cứu hỏa.
Phiên bản mới nhất C-130J Super Hercules có thể leo cao hơn và nhanh hơn, bay xa hơn với tốc độ hành trình lớn hơn, đồng thời cần khoảng cách ngắn hơn để cất, hạ cánh.
Nhà sản xuất Lockheed Martin cho biết WC-130J không có khác biệt lớn so với C-130J, thêm rằng nó có phi hành đoàn 5 người, tầm bay gần 3.000 km khi chở theo hàng hóa, có thể đạt vận tốc 650 km/h ở độ cao gần 7 km và là "nhà khí tượng học mạnh mẽ nhất thế giới".
"WC-130J có thể đi xuyên qua bão ở độ cao khoảng ba km để thu thập dữ liệu khí tượng trong vùng xoáy hoặc tâm bão. Dữ liệu do WC-130J thu thập giúp giới chức có thể đưa ra cảnh báo bão sớm và dự đoán chính xác hơn 30%", theo Lockheed Martin.
Trong khi đó, lực lượng "thợ săn bão" của NOAA đặt căn cứ tại thành phố Lakeland ở bang Florida, được trang bị hai máy bay Lockheed WP-3D Orion và một phi cơ Gulfstream IV-SP.
Phi cơ WP-3D Orion của NOAA bay qua căn cứ không quân MacDill tại bang Florida tháng 7/2023. Ảnh: Không quân Mỹ
WP-3D Orion là phiên bản chỉnh sửa của dòng máy bay tuần thám P-3 Orion, sở hữu vận tốc tối đa 460 km/h, trần bay 8 km, tầm hoạt động 7.000 km, thời gian bay hơn 11 giờ. Nó được trang bị nhiều thiết bị khoa học tiên tiến như radar, cảm biến và hệ thống đo đạc, có nhiệm vụ chính là thu thập thông tin ở độ cao thấp để bổ sung dữ liệu mà radar mặt đất hoặc vệ tinh không thể cung cấp được.
Máy bay Gulfstream IV-SP có vận tốc tối đa 850 km/h, trần bay 13,7 km, tầm hoạt động 7.000 km, thời gian bay gần 9 giờ. Với tầm hoạt động và trần bay lớn hơn so với dòng WP-3D Orion, Gulfstream IV-SP mang tới khả năng quan sát bao quát ở độ cao lớn, giúp phân tích tốt hơn các hiện tượng thời tiết ở khí quyển tầng cao.
Để thực hiện nhiệm vụ này, chiếc phi cơ được trang bị nhiều dụng cụ chuyên dụng, trong đó có máy dò dropsonde. Khi được thả xuống từ máy bay, nó sẽ giúp thu thập dữ liệu áp suất không khí, độ ẩm, nhiệt độ và sức gió.
[Gulfstream IV-SP trong bức ảnh đăng trên website của NOAA. Ảnh: NOAA
Mỗi cơn bão thường được các "thợ săn" theo dõi trong vài ngày. Kevin Doremus, phi công của NOAA, cho biết đã đi vào tâm bão tổng cộng 140 lần để lấy số liệu đo đạc kể từ khi trở thành "thợ săn bão" cách đây 6 năm. Anh mô tả trải nghiệm này giống như đi "tàu lượn siêu tốc làm bằng gỗ qua tiệm rửa xe".
"Bạn bị nhấc lên một chút rồi hạ xuống, khiến bạn như lún vào ghế ngồi", Doremus nói. "Điều này sẽ diễn ra rất nhiều lần và có thể kéo dài trong 8 giờ".
Viên phi công cho biết thách thức lớn nhất với anh trong quá trình bay là các luồng gió thổi lên và thổi xuống. Anh phải tìm cách nương theo hướng gió, vì bay ngược hướng có thể sẽ làm hỏng máy bay.
Trên ghế ngồi có để sẵn túi nôn, đề phòng trường hợp có người bị say. Dù máy bay được trang bị giường tầng, "rất khó để chợp mắt giữa cơn bão", theo Doremus.
Đôi khi ở tâm bão, nơi gió lặng, phi cơ sẽ bay theo vòng tròn. "Mọi người tưởng chúng tôi đang làm gì đó liên quan đến nghiên cứu khoa học, nhưng thực tế đây chỉ là cách để giúp mọi người có thể đi vệ sinh", Doremus nói.
Theo giám đốc NOAA Michael Brennan, dữ liệu thu thập được từ các chuyến "săn bão" sẽ giúp tăng độ chính xác của mô hình dự đoán thêm 10-20%, qua đó cứu sống được nhiều mạng người và giảm thiệt hại về kinh tế do bão.
Phạm Giang (Theo AFP)