Chuyên mục  


Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng chưa xác thực sinh trắc học sẽ không được giao dịch ngân hàng điện tử từ 1/1/2025.

Để hỗ trợ khách hàng, chi nhánh các ngân hàng quốc doanh Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV cũng mở cửa làm việc ngoài giờ hành chính và cuối tuần.

Ghi nhận của VnExpress cho thấy phần lớn khách tới phòng giao dịch là người lớn tuổi, điện thoại có vấn đề về kỹ thuật, hoặc chưa cập nhật căn cước công dân mới...

Chi nhánh VietinBank tại quận 10 đón khách sinh trắc học vào chiều thứ 7, ngày 28/12. Ảnh: Quỳnh Trần

Tại một số địa bàn khu công nghiệp, lượng khách hàng là nhân viên các nhà máy, công ty đến cập nhật sinh trắc học tăng mạnh, nhất là vào cuối tuần. Các chi nhánh này của Vietcombank đã huy động toàn bộ cán bộ nhân viên làm thêm giờ.

Với VietinBank, các chi nhánh cũng luân phiên mở cửa vào cuối tuần để phục vụ những khách hàng chưa kịp đăng ký sinh trắc học. Sáng 28/12, chi nhánh VietinBank tại quận 10 (TP HCM) đón nhiều khách hàng, phần lớn là nhân sự từ các bệnh viện chi lương qua tài khoản, tranh thủ ngày nghỉ đến xác thực.

Một khách hàng (quận 10, TP HCM) cho biết do không rành về công nghệ nên ông cũng không thường xuyên chuyển khoản trực tuyến. Tuy nhiên, để tránh trường hợp bị gián đoạn giao dịch lúc cần, ông tranh thủ ngày nghỉ ra ngân hàng để được xác thực.

Một khách hàng lớn tuổi gặp trục trặc với tính năng chụp ảnh trên điện thoại nên trực tiếp đến chi nhánh VietinBank tại quận 10 (TP HCM) chiều 28/12 để xác thực. Sau khoảng 20 phút thao tác, việc xác thực thành công. Ảnh: Quỳnh Trần

Chia sẻ về việc mở cửa giao dịch cả những ngày cuối tuần, Phó tổng giám đốc VietinBank Trần Công Quỳnh Lân cho biết nhằm giảm tình trạng quá tải vào những ngày cận Tết Dương lịch. Hiện khoảng 86% khách hàng của VietinBank đã hoàn thành xác thực sinh trắc học.

"VietinBank trước đó đã yêu cầu khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi giao dịch tài chính online, tức áp dụng sớm trước hạn so với quy định", ông Lân nói thêm.

Vietcombank cũng cho hay các chi nhánh của nhà băng mở cửa làm việc thêm ngoài giờ hành chính, cuối tuần từ hơn một tháng nay và duy trì đến giữa tháng 1/2025. Các điểm giao dịch này sẽ mở cửa từ 8h00 đến 17h30 vào cuối tuần để hỗ trợ khách hàng đăng ký thông tin.

Khách hàng được nhân viên Vietcombank chi nhánh Sở Giao dịch (quận Ba Đình, Hà Nội) hướng dẫn thao tác sáng 28/12. Ảnh: Giang Huy

Sau khi triển khai làm việc ngoài giờ, Vietcombank thông tin số khách hàng cập nhật sinh trắc học thành công tăng gấp đôi so với trước. Tính đến cuối ngày 28/12, gần 10 triệu khách hàng của nhà băng đã sinh trắc học thành công.

Trong đó, 25% khách hàng cập nhật trực tuyến từ ứng dụng Vietcombank kết nối thẳng với VNEID, tức không cần thao tác quét NFC. Đây cũng là nhà băng đầu tiên khai thác dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công an.

Tại nhóm nhà băng tư nhân, một số đơn vị hiện nay cũng tung ưu đãi tặng lãi suất để "thúc" khách hàng thực hiện đúng hạn. Đơn cử, tại ACB, khách hàng đăng ký xác thực sinh trắc học được hưởng lãi suất cộng thêm đến 1,6% mỗi năm khi gửi tiết kiệm online từ 10 triệu đồng, kỳ hạn 1-3 tháng. Tại TPBank, khách ghé phòng giao dịch thực hiện sinh trắc học được miễn phí mở tài khoản số đẹp hoặc nhận thêm 0,2% lãi suất khi gửi tiết kiệm từ 6 tháng...

Nhân viên ngân hàng chụp hình gương mặt khách hàng để xác thực sinh trắc học. Ảnh: Giang Huy

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, một số giao dịch ngân hàng buộc xác thực sinh trắc học từ 1/1/2025. Cụ thể, Thông tư 17 quy định chủ tài khoản chỉ được rút tiền, thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân; thông tin sinh trắc học do cơ quan công an cấp hoặc qua hệ thống định danh và xác thực điện tử (VNeID).

Thông tư 18 cũng yêu cầu giao dịch thẻ online chỉ thực hiện được khi chủ thẻ đã xác thực sinh trắc học với ngân hàng, công ty tài chính... Còn các giao dịch thẻ trực tiếp tại các điểm bán lẻ (POS), ATM vẫn diễn ra bình thường, không yêu cầu phải sinh trắc học.

Quỳnh Trang

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020