Chuyên mục  


Hai năm trở lại đây, một số nhãn hàng tiêu dùng giới thiệu chai nước 100% làm từ nhựa tái sinh, nhưng ghi chú thêm là "trừ nhãn và nắp".

"Chúng tôi chỉ tái chế được duy nhất thân chai", ông Phạm Minh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vikohasan - cho biết. Nguyên do bởi ba bộ phận trên làm từ ba loại nhựa khác nhau. Thân chai là nhựa PET - có giá trị cao nhất, nắp chai từ HDPE - dòng nhựa cứng có giá trị thấp hơn, còn nhãn làm từ nhựa PE hoặc PVC.

Có nhãn hàng dán nhãn PVC kín chai, không thể tái chế, nếu họ tuyên bố tái chế được thì "chỉ mang tính trình diễn", ông Tuấn nói với VnExpress. Nhựa PVC mang ký hiệu số 3, không được khuyến nghị tái chế do thiếu an toàn, dính thêm mực in sẽ rất độc.

Bà Lý Thị Hen đang nhặt chai nhựa ở Bình Dương, tháng 1/2023. Ảnh: Thanh Tùng

Vikohasan tham gia tái chế chai PET từ năm 2016, hiện công suất có thể đạt 200 tấn một ngày đêm. Sản phẩm đầu ra là xơ sợi PET tái chế dùng trong thú nhồi bông, sofa, chăn - gối - đệm. Do chỉ tái chế PET, nhãn PE của chai công ty sẽ đem đốt. Nắp HDPE phải tìm nhà tái chế khác, nhưng khó.

Công ty cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân cũng gặp thách thức khi xử lý nhãn chai, đặc biệt với nhãn PVC. Không chỉ khó xử lý, loại này còn khó bóc tách. Một chai PET sử dụng nhãn PE khi ngâm trong bể tách, nhãn PE sẽ nổi trong khi thân chai PET chìm. Với chai dán nhãn PVC, nhãn này lại chìm cùng thân PET. Với câu chuyện nắp chai, doanh nghiệp này nằm trong số ít đơn vị tái chế được HDPE.

Nhìn chung về doanh nghiệp tái chế Việt Nam, ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Chi hội Nhựa Tái sinh Việt Nam - cho biết năng lực tái chế còn yếu. Bao năm nay, nhựa chủ yếu được tái chế ở các làng nghề. Với PET - loại nhựa thông dụng với giá trị cao nhất, có một lượng doanh nghiệp tham gia, nhưng không nhiều. Với HDPE, số doanh nghiệp tái chế được như Duy Tân Recycling rất hiếm.

Thiết kế bao bì phục vụ tái chế, tái sử dụng là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên thực hiện theo Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến 2030 ban hành từ bốn năm trước, nhưng hiện chưa có tiêu chuẩn cụ thể về thiết kế này.

Chúng ta nói kinh tế tuần hoàn như khái niệm chung nhưng nên bắt đầu từ chính sách cụ thể, ví dụ quy định về thiết kế sản phẩm, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nói tại một sự kiện giữa tháng 12.

Châu Âu đã ban hành chỉ thị về thiết kế sinh thái, yêu cầu sản phẩm dễ tái chế, tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa tuổi thọ. Ông Tuấn cho rằng Việt Nam cũng cần có quy định về sản phẩm như dễ phân loại, tháo rời, tách các thành phần khi tái chế, nguyên liệu đi kèm phải có tính đồng bộ nhất định..., sao cho quy trình tái chế dễ dàng nhất.

Trở về từ cuộc họp thứ năm Ủy ban Đàm phán liên chính phủ của Liên hợp quốc (INC-5) về một hiệp ước toàn cầu về nhựa, tổ chức tại Busan (Hàn Quốc), ông Hoàng Thành Vĩnh - thuộc Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường - cho biết nhiều chai PET của Hàn Quốc hiện không còn nhãn, giúp ngăn chặn thành phần này thất thoát ra môi trường.

Các bịch nước đóng chai không nhãn được xếp chồng tại một cửa hàng ở Seoul, tháng 7/2020. Ảnh: Yonhap

Tại Nhật Bản, với chai nhựa, người dùng phải phân loại thân, nắp và nhãn vào túi riêng để phục vụ cho hoạt động thu gom tài nguyên, rác tái chế và rác xử lý. Bởi vậy, nhãn chai được thiết kế giúp dễ tách rời. Ở Việt Nam, công đoạn tách nhãn đang được đẩy sang các nhà tái chế.

"Chúng ta đã có chính sách phân loại rác tại nguồn, trách nhiệm nhà sản xuất (EPR), giờ cần thêm chính sách mạnh về thiết kế, cần có quy chuẩn nếu muốn thúc đẩy ngành tái chế này", Tổng giám đốc Vikohasan nói.

Ông cũng mong nhận thức người dân có thể thay đổi. Nhựa không phải rác mà là nguồn tài nguyên tái chế. Khi người dân nghĩ nhựa là rác, trong nhà có gì là vứt. Nguyên liệu tái chế bị nhiễm bẩn do bỏ lẫn với rác sinh hoạt, khiến doanh nghiệp mất nhiều nguồn lực để loại bỏ tạp chất, thậm chí phân nửa chai nhựa phải bỏ vì không đạt chuẩn đầu vào.

"Chai PET giờ bẩn lắm. Nếu người dân thay đổi tư duy, họ sẽ ứng xử với chai nhựa đúng mức. Chúng không bẩn, không phải rác. Hãy giữ lại và đưa cho nhà tái chế hoặc đơn vị thu gom, chất lượng chai nhựa sẽ ổn", ông Tuấn nói.

Thủy Trương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020