Chuyên mục  


elon-musk-1734664207053970475625.jpg

Tỉ phú Elon Musk đến Điện Capitol cùng con trai trước buổi họp cùng một số nhân vật trong nội các tương lai của chính quyền ông Trump, ngày 5-12 - Ảnh: AFP

Sau khi được Tổng thống đắc cử Donald Trump giao nhiệm vụ lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ mới thành lập (DOGE), tỉ phú Elon Musk đã thể hiện quyền lực của mình ngay cả trước khi ông Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20-1.

Tấn công dự luật ngân sách

Sáng sớm ngày 18-12 (giờ Mỹ), ông chủ Tesla và SpaceX đã sử dụng nền tảng mạng xã hội X (trước đây là Twitter) để chỉ trích dự luật ngân sách do cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ soạn thảo nhằm duy trì hoạt động của chính phủ liên bang.

"Dự luật này không nên được thông qua", ông Musk viết trong một loạt bài đăng, đồng thời kêu gọi các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện không thông qua dự luật.

Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa nhanh chóng hưởng ứng. Nghị sĩ Dan Bishop thậm chí ca ngợi ông Musk: "Sau 5 năm tại Quốc hội, tôi đã chờ đợi một sự thay đổi căn bản. Và nó đã đến".

Một số thành viên cánh hữu thậm chí đề xuất ông Musk, người gốc Nam Phi, nên làm chủ tịch Hạ viện.

Ông Trump cũng tham gia cuộc chiến ngân sách, gọi dự luật này là "lố bịch và cực kỳ tốn kém".

Hệ quả là nguy cơ Chính phủ Mỹ đóng cửa chỉ vài ngày trước Giáng sinh đã trở nên rất rõ ràng.

Sau khi dự luật ngân sách bị bác bỏ, tỉ phú Musk ăn mừng: "Tiếng nói của nhân dân đã được lắng nghe. Đây là một ngày tốt lành cho nước Mỹ".

Ông còn đăng bức ảnh mình đứng trước lá cờ Mỹ kèm dòng chữ Latin: "Vox Populi, Vox Dei" (Tiếng nói của nhân dân là tiếng nói của Chúa).

Đến ngày 19-12, Đảng Cộng hòa đã đề xuất một gói ngân sách mới. Tuy nhiên, theo Hãng tin Reuters, kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ cho thấy dự luật mới đã không được thông qua.

Cụ thể, các nghị sĩ Dân chủ phản đối dự luật sau khi ông Trump kêu gọi Đảng Cộng hòa phản đối dự luật ngân sách mà lưỡng đảng nhất trí sơ bộ trước đó.

Nếu quốc hội không thông qua dự luật, chính phủ liên bang sẽ không có ngân sách cho các hoạt động từ ngày 21-12. Do đó, Quốc hội Mỹ chỉ còn 1 ngày ngăn chặn nguy cơ đóng cửa chính phủ.

Quyền lực vô tiền khoáng hậu

Đảng Dân chủ không ngừng công kích ông Musk, gọi ông là kẻ không ổn định và mắc bệnh "vĩ cuồng", đồng thời hy vọng biệt danh "Tổng thống Musk" (tức tổng thống Mỹ không ngai) sẽ làm ông Trump khó chịu.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders bình luận: "Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã dành nhiều tháng để đàm phán một thỏa thuận lưỡng đảng nhằm tài trợ chính phủ, nhưng người giàu nhất thế giới, Tổng thống Elon Musk, không thích nó. Liệu Đảng Cộng hòa có quỳ gối trước ông ta không? Các tỉ phú không được phép điều hành chính phủ của chúng ta".

Dân biểu Jim McGovern mỉa mai: "Ít nhất bây giờ chúng ta biết ai đang nắm quyền. Ông Musk làm tổng thống, còn ông Trump là phó tổng thống".

Chiến lược gia tranh cử David Axelrod thì phát biểu trên Đài CNN: "Ông Musk và ông Trump cần ngồi lại với nhau để quyết định ai mới là tổng thống".

Theo Hãng tin AFP, các doanh nhân giàu có trước đây thường tác động gián tiếp, chứ chưa ai không thông qua bầu cử lại nắm giữ quyền lực lớn như ông Musk.

Vị tỉ phú gốc Nam Phi đã đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn cuối chiến dịch tranh cử của ông Trump, khi xuất hiện tại buổi vận động ở Pennsylvania ngay tại địa điểm ông Trump từng bị ám sát hụt.

Kể từ khi ông Trump chiến thắng, ông Musk thường xuyên qua lại dinh thự Mar-a-Lago ở Florida, nơi tổng thống đắc cử chuẩn bị cho giai đoạn chuyển giao quyền lực.

Dù chưa được bổ nhiệm chính thức vào nội các của ông Trump, ông Musk đã gây tranh cãi về xung đột lợi ích, đặc biệt khi Công ty hàng không SpaceX phụ thuộc lớn vào các hợp đồng với Chính phủ Mỹ.

Ngoài ra, khoản quyên góp 270 triệu USD trong kỳ bầu cử tháng 11 đã biến ông Musk thành nhà tài trợ chính trị lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

George Conway, một nhà phê bình bảo thủ, châm biếm: "Thật kỳ lạ khi nghĩ rằng Elon Musk cuối cùng sẽ trả ít tiền hơn để sở hữu Chính phủ Mỹ so với Twitter".

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020