Chuyên mục  


Khi Trung Quốc kỷ niệm 72 năm quốc khánh tuần trước, truyền thông nước này liên tục đưa tin về thành tựu phát triển kinh tế, quân sự, chính trị của đất nước, thậm chí cả thành tựu tăng trưởng chiều cao của người dân.

Nhiều hãng tin, tờ báo, bao gồm Global Times và CCTV, dẫn lại một nghiên cứu đăng trên tạp chí y học The Lancet năm ngoái về tăng trưởng chiều cao trung bình toàn thế giới. Theo nghiên cứu này, Trung Quốc là nước có tỷ lệ tăng chiều cao nam giới tốt nhất. Từ năm 1985 tới 2019, chiều cao trung bình của nam thanh niên 19 tuổi nước này đã tăng gần 9 cm.

eca86bd9dcd816fc932d14-5665-1634017753.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aDTRK7ytEQLszYWYCWJrUw

Một cô gái đo chiều cao trong buổi kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện ở Thượng Hải hồi tháng 3/2015. Ảnh: IC

Xu hướng này tương tự các nghiên cứu khác ở Trung Quốc. Theo báo cáo công bố hồi tháng 12/2020 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, chiều cao trung bình của nam giới từ 18 đến 44 tuổi đã tăng gần 1,27 cm từ năm 2014 tới 2019. Phụ nữ Trung Quốc cũng cao lên, dù không nằm trong top đầu thế giới.

Nghiên cứu đăng trên The Lancet được chia sẻ rộng rãi khắp mạng xã hội tuần trước, với hashtag chủ đề liên quan thu hút hơn 200 triệu lượt xem.

"Không chỉ chiều cao mà địa vị người Trung Quốc cũng tăng lên", là một trong những bình luận được ưa thích nhất trên mạng xã hội Weibo, với hơn 2.400 lượt thích.

Bình luận này cho thấy sự gia tăng chiều cao không chỉ phản ánh sự tăng trưởng về thể chất, mà còn phản ánh niềm tự hào của người Trung Quốc về một nền kinh tế phát triển nhanh, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống chỉ trong vài thập kỷ.

Trước khi bắt đầu đổi mới vào thập niên 1970, Trung Quốc vẫn là một nước đang phát triển với tình trạng nghèo đói, suy dinh dưỡng phổ biến trong người dân. Công cuộc đổi mới toàn quốc đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng.

Khi nền kinh tế theo định hướng thị trường ngày càng phát triển, đất nước ổn định, nguồn cung lương thực và tài sản cá nhân không ngừng gia tăng. Chế độ ăn của người dân bắt đầu thay đổi, nhất là khi họ bắt đầu chuyển lên thành phố sinh sống trong thời kỳ Trung Quốc đô thị hóa nhanh chóng.

Dinh dưỡng cho trẻ em được chú trọng hơn để trẻ phát triển khỏe mạnh, thể hiện qua chiều cao. "Sự phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên được cải thiện song song với phát triển kinh tế", theo nghiên cứu năm 2014 của Viện Nhi khoa Thủ đô Bắc Kinh. Theo đó, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ tập đi giảm dần, còn bệnh béo phì bắt đầu xuất hiện ở những khu vực đô thị.

Đây đều là những bằng chứng hữu hình thể hiện sự tiến bộ trong xóa đói giảm nghèo ở Trung Quốc. Chỉ trong vài thập kỷ, hàng trăm triệu người Trung Quốc đã thoát cảnh đói nghèo. Các nền kinh tế mới nổi và các nước có thu nhập thấp khác, bao gồm nhiều nước ở châu Phi, chứng kiến chiều cao trung bình của trẻ em đi ngang hoặc giảm xuống từ năm 1985, theo nghiên cứu đăng trên The Lancet.

Tăng trưởng kinh tế và điều kiện sống cải thiện là niềm tự hào của người dân Trung Quốc. Nhiều người bày tỏ niềm vui ấy trên mạng xã hội về sự chuyển mình nhanh chóng của đất nước trong kỳ nghỉ Tuần lễ vàng quốc khánh 1/10.

"Bây giờ trẻ em cao hơn trước nhiều do chế độ dinh dưỡng tốt hơn", một người dùng Weibo viết. "Người nước ngoài cao lớn vì chế độ ăn của họ nhiều sữa, thịt. Bây giờ, người Trung Quốc cũng thế".

Nhưng kinh tế bùng nổ cũng chứng kiện sự phân hóa giàu nghèo giữa khu vực nông thôn và thành thị, phản ánh qua sức khỏe và chiều cao của trẻ em. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, thu nhập bình quân đầu người của các hộ gia đình nông thôn năm 2019 là 2.440 USD, còn ở khu vực thành thị là 6.450 USD. Nhiều vùng nông thôn vẫn không được tiếp cận với điện, đường, trường, trạm suốt nhiều thập kỷ, dù phần lớn đất nước đang nhanh chóng hiện đại hóa.

Nghiên cứu năm 1996 cho thấy tỷ lệ tăng chiều cao trung bình ở trẻ em thành thị gấp 5 lần trẻ em nông thôn. Theo nghiên cứu năm 2014, tỷ lệ trẻ thấp còi và suy dinh dưỡng của Trung Quốc giảm đáng kể, nhưng vẫn phổ biến ở các vùng nông thôn nghèo.

"Chênh lệch về điều kiện y tế và chăm sóc sức khỏe giữa vùng nông thôn và đô thị vẫn rất lớn", các nhà nghiên cứu viết, kêu gọi nhiều biện pháp thúc đẩy "tăng trưởng công bằng cho mọi trẻ em ở Trung Quốc".

Hồng Hạnh (Theo CNN)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020