Khi nghe tin Hamas tấn công lễ hội âm nhạc nơi có các thành viên gia đình tham dự ngày 7/10, Ben Ovadia, 28 tuổi, đã thầm cầu nguyện cho mẹ mình bởi anh không biết phải làm gì hơn.
Mẹ và em trai của Ovadia trốn trong lùm cây, khi các tay súng Hamas lùng sục ở lễ hội âm nhạc, xả súng vào những người tham dự, khiến hơn 260 người chết. Họ đều đặn cập nhật tình hình cho anh qua WhatsApp trong suốt 8 tiếng sau đó.
"Mỗi tin nhắn gửi đi mất hai phút", anh nói. "Cứ mỗi hai phút, tôi lại vò đầu bứt tai, chờ đợi bên kia trả lời".
Ovadia sau đó biết được thông tin về một địa điểm trú ẩn an toàn. Anh đã gửi bản đồ vị trí đó cho em trai, giúp hai người trốn thoát khỏi lễ hội.
Sáng hôm sau, Ovadia quyết định tạm biệt vợ cùng hai con song sinh 9 tuổi để bay về nước, tạm thời từ bỏ cuộc sống yên bình ở London.
Ovadia là một trong số nhiều người Israel từ nước ngoài trở về quê hương khi căng thẳng kéo dài với Hamas leo thang thành cuộc chiến chưa từng có trong nhiều năm.
Hành khách xếp hàng tại sân bay quốc tế ở Athens, Hy Lạp, làm thủ tục lên chuyến bay về Israel ngày 10/10. Ảnh: AP
Họ bỏ dở những chuyến đi chơi, bỏ lại gia đình, công việc, cuộc sống thường nhật ở nước ngoài, để quay về Israel dự tang lễ người thân, đăng ký thực hiện nghĩa vụ quân sự, mang theo đồ tiếp tế hay tham gia các sứ mệnh bảo vệ cộng đồng.
Ít nhất 1.300 người đã thiệt mạng ở Israel sau cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10. Israel đáp trả bằng chiến dịch không kích quy mô lớn, cắt nguồn cung điện, thực phẩm và nước uống, nhiên liệu cho Dải Gaza. Theo Bộ Y tế Palestine, ít nhất 1.417 người đã chết ở Dải Gaza, nhà máy điện duy nhất của khu vực đã hết nhiên liệu hôm 11/10.
Đặt chân xuống Israel, Ovadia gặp người nhà rồi tới Lod, thành phố cách Tel Aviv khoảng 15 km về phía đông nam, nơi giao tranh từng nổ ra dữ dội giữa quân đội Israel và Hamas.
Anh cùng bạn bè lập đội tuần tra khu phố, giúp vận chuyển thực phẩm quyên góp. Ovadia cũng lên kế hoạch lái xe tới miền nam đất nước để hỗ trợ đưa những người mắc kẹt về với gia đình.
"Đó là những gì tôi làm được lúc này", anh nói. "Tôi không thể ở lại London, xem mọi chuyện diễn ra qua tivi".
Một người Israel khác về nước là Guy, 30 tuổi, làm việc trong lĩnh vực an ninh mạng và sinh sống ở London 5 năm qua. Guy trở về Israel ngày 11/10, khi hay tin 6 người bạn mất tích sau lễ hội âm nhạc Supernova. Hai người trong số đó đã được xác nhận tử vong.
Guy quay về để đăng ký làm quân nhân dự bị và dự đám tang bạn thân. "Thế hệ sinh ra sau Cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 chưa từng chứng kiến điều gì như thế này", anh nói. "Chúng tôi lớn lên, từng mang theo niềm tin vào hòa bình và giải pháp hai nhà nước".
Thiếu tướng Doron Spielman, phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), ngày 11/10 cho hay Israel đã triệu tập 300.000 quân dự bị. Đây là cuộc huy động quân sự trên quy mô tương đương quốc gia lớn như Mỹ, dù dân số Israel chỉ hơn 9,7 triệu người.
"Không gia đình nào không có người được triệu tập nhập ngũ", Spielman nói.
Lính dự bị Israel được triển khai tới thành phố Sderot ngày 9/10. Ảnh: Anadolu
Theo quy định, mọi công dân Israel trên 18 tuổi đều phải nhập ngũ phục vụ trong IDF, trừ một số trường hợp được miễn. Sau khi kết thúc nghĩa vụ quân sự, nhiều người Israel thường lên kế hoạch đi chơi dài ngày ở nước ngoài như một nghi thức ăn mừng.
Ben, 22 tuổi, cũng có ý định du lịch châu Âu vài tháng sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Anh nhận được tin Hamas tấn công ở quê nhà khi đang ở Nepal và quyết định hủy kế hoạch du lịch của mình. Ben quay về Israel, sẵn sàng tái ngũ vào một đơn vị trinh sát.
Trước chuyến bay về Israel ngày 9/10, Ben cho biết hơn 100 đồng hương ở Nepal cũng đang về nước như anh.
"Tôi cảm thấy nặng nề khi mình ở quá xa, không thể làm được gì", anh nói. "Ta lo lắng cho người ở nhà, cả ngày chỉ theo dõi tin tức, nhìn vào điện thoại. Lúc này, không thể nào ở xa đất nước".
Ilan Fisher, 29 tuổi, đang đi chơi ở Melbourne vào ngày Hamas tấn công. Dù nhiều người đề nghị anh ở lại Melbourne, Fisher vẫn quyết định về nước ngày 8/10 và dự kiến làm việc trong bộ phận truyền thông của quân đội.
"Tình hình hiện tại rất nghiêm trọng, thảm khốc. Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài quay về", anh nói.
Ilan Fisher, người từ Australia về Israel để nhập ngũ. Ảnh: CNN
Rachel Gold, 27 tuổi, đang du lịch ở Toronto, đã cùng bạn là Jessica Kane kêu gọi quyên góp trên mạng xã hội để hỗ trợ quê hương. Sau khi quyên góp được 15.000 USD, họ mang theo 13 valy đựng nhu yếu phẩm bay về Israel tối 9/10.
Gold sau đó đăng ký làm quân nhân dự bị và được triển khai đến một căn cứ quân sự ở miền nam. "Ở đây dễ chịu hơn nhiều so với việc ở xa", cô nói. "Tôi cảm thấy bất lực khi chỉ ngồi nhà xem tin tức, suy nghĩ mình làm được việc gì khác ngoài gửi tiền. Về nước, tôi không cần dán mắt xem tin tức và cảm thấy mình giúp được gì đó. Ở trong nước đỡ sợ hơn ở nước ngoài".
Hồng Hạnh (Theo CNN)