Chuyên mục  


Thông tin này được doanh nghiệp công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Nguyên nhân được Công ty Bông Sen đưa ra là tài khoản đang bị phong tỏa.

Lô trái phiếu bị chậm trả gốc và lãi được phát hành từ tháng 10/2021 do Chứng khoán Tân việt (TVSI) thu xếp. Tổng giá trị dư nợ là 4.800 tỷ đồng, lãi suất 10,5% một năm và có hạn trả lãi định kỳ 3 tháng một lần. Ban đầu lô này có kỳ hạn 5 năm, nhưng về sau kỳ thanh toán gốc dời lại thành cuối tháng 6 năm nay.

Thời gian trước, Bông Sen phát hành lô trái phiếu này để bổ sung vốn thực hiện hoạt động đầu tư phát triển các dự án tiềm năng tại khu vực quận 5 (TP HCM). Thực tế số tiền trên được công ty góp vào hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Vina Alliance cho dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại - dịch vụ và căn hộ tại số 152 Trần Phú.

Về sau, dự án 152 Trần Phú bị thanh tra và thu hồi. Đến tháng 11/2022, Bông Sen thông báo đã yêu cầu Vina Alliance hoàn lại toàn bộ số tiền nhưng mất liên lạc với đối tác này. Công ty đưa ra giải pháp nếu Vina Alliance trả tiền, họ mới thanh toán gốc cho trái chủ. Bởi theo Bông Sen, tài khoản công ty và tài sản đảm bảo được thế chấp tại Ngân hàng Sài Gòn - SCB bị phong tỏa nên không thực hiện lệnh chi tiền và không còn hướng xử lý.

Trong phiên họp bất thường cuối tháng 8, doanh nghiệp này cho biết sẽ xử lý các tài sản để thực hiện nghĩa vụ với lô trái phiếu 4.800 tỷ đồng kể trên. Các tài sản được đưa ra gồm cổ phần của Công ty Daeha, hồ sơ thế chấp khách sạn Palace Saigon, khách sạn Bông Sen Annex, nhà hàng Vietnam House và hai bất động sản khác tại quận 1... Nếu không đủ chi trả, công ty nói sẽ xử lý các tài sản khác để tất toán toàn bộ nghĩa vụ.

Mặt tiền khách sạn Palace Saigon nhìn từ phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM). Ảnh: Bông Sen Corp

Công ty cổ phần Bông Sen vốn là doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), được cổ phần hóa năm 2005. Công ty này sở hữu loạt "đất vàng" tại trung tâm TP HCM để làm khách sạn như Palace Saigon (đường Nguyễn Huệ), Bông Sen Sài Gòn (đường Đồng Khởi), Bông Sen Annex (đường Hai Bà Trưng). Ngoài ra, công ty còn sở hữu các nhà hàng Vietnam House, Lemongrass, Calibre, Bier Garden, Buffet Gánh Bông Sen và chuỗi bánh Brodard với 18 cửa hàng.

Bông Sen từng nổi lên với thương vụ mua hơn 51% vốn Công ty cổ phần Daeha, chủ đầu tư khu phức hợp trung tâm thương mại Daeha - khách sạn Daewoo (Ba Đình, Hà Nội). Doanh nghiệp này từng thâu tóm Công ty cổ phần Saigon One Tower - chủ đầu tư tòa nhà cùng tên đã "đắp chiếu" suốt nhiều năm.

Bóng dáng của Vạn Thịnh Phát cũng xuất hiện tại Bông Sen. Ở lô trái phiếu mà công ty đang nợ, hai đơn vị thu mua sơ cấp để phát hành thứ cấp cho nhà đầu tư nhỏ lẻ là TVSI và Công ty Tân Thành Long An, cả hai đều liên quan đến Vạn Thịnh Phát.

Chủ tịch Vũ Thị Hồng Hạnh cho biết, công ty đang trong quá trình làm việc và chờ kết luận của cơ quan chức năng về khả năng dính líu đến vụ án sai phạm của Vạn Thịnh Phát. Trước mắt, doanh nghiệp này đang nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến Vạn Thịnh Phát. Ngoài ra, Bông Sen còn phải chuyển tiền vào tài khoản chỉ định theo yêu cầu của cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả của vụ án.

Về tình hình kinh doanh, Bông Sen lỗ 280 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ. Trong năm 2021 và 2022, doanh nghiệp này cũng thua lỗ lần lượt gần 186 tỷ và 443 tỷ đồng.

Tất Đạt

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020