Chuyên mục  


nxb-giao-duc-a-1736926117639421651190.jpg

Cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam xin tòa giảm nhẹ hình phạt - Ảnh: GIANG LONG

Chiều 15-1, phiên tòa xét xử cựu chủ tịch hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo Dục) kết thúc phần tranh tụng chuyển sang phần nghị án. Dự kiến chiều mai (16-1), hội đồng xét xử ra phán quyết với 8 bị cáo.

Trước đó, nói lời sau cùng, ông Nguyễn Đức Thái (cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo Dục) nghẹn ngào "xin nhận trách nhiệm người đứng đầu" và "vô cùng hối hận vì việc làm của mình đã gây ra hậu quả lớn".

Xin giảm án cho cấp dưới

Tự bào chữa trước tòa, ông Thái mong hội đồng xét xử xem xét nhân thân, bối cảnh phạm tội… để cho bị cáo được hưởng chính sách "khoan hồng đặc biệt".

Nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo Dục phân trần: "Tôi tôn trọng nội dung của cáo trạng cũng như quan điểm luận tội của viện kiểm sát. Đây là bài học lớn nhất trong đời, bị cáo vô cùng đau xót vì hành động của bản thân".

Ông cũng xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho các cấp dưới của mình vì "họ đã thực hiện công việc do sự chỉ đạo của bị cáo".

"Mong hội đồng xét xử xem xét bối cảnh phạm tội cũng như các thành tích khác trong quá trình công tác, xem xét nhân thân để cho các bị cáo được hưởng mức án thấp nhất, để chúng tôi sớm được trở về với gia đình và xã hội" - cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo Dục nghẹn ngào trình bày.

Trước đó trong phần xét hỏi, phân trần về bối cảnh phạm tội, ông Thái nói nhận nhiệm vụ chủ tịch Nhà xuất bản Giáo Dục trong bối cảnh "hết sức vất vả, phức tạp".

Thời điểm đó đơn vị này phải thực hiện nhiệm vụ in bộ sách giáo khoa mới cho năm 2018, bảo đảm đủ sách. Khi các doanh nghiệp đến xin tham gia gói thầu cung cấp giấy in, ông đồng ý chủ trương nhưng không đặt vấn đề "thỏa thuận ăn chia".

nxb-giao-duc-c-173692616103678044011.jpg

Luật sư trình bày quan điểm bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: GIANG LONG

Theo lời khai của cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo Dục, năm 2017 giá bột giấy tăng 30%, phí vận chuyển tăng, ông chấp thuận hai công ty này tham gia thầu vì có nhiều năm cung cấp giấy và "mong muốn in sách sớm, giảm chi phí".

Trong năm học đó, Nhà xuất bản Giáo Dục in hơn 100 triệu bản sách giáo khoa mới, đơn giá 179.000 đồng/bộ, trong khi giá của công ty xã hội hóa tới 199.000 đồng/bộ, so sánh thì sách của Nhà xuất bản Giáo Dục rẻ hơn 11%, lời khai của ông Thái tại tòa.

Ông còn trình bày trong nhiệm kỳ làm chủ tịch có nhiều đóng góp đưa nhà xuất bản "phát triển vượt bậc", tạo nhiều việc làm, đưa kết quả sản xuất kinh doanh tăng 3-5 lần so trước.

Bào chữa cho cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo Dục, luật sư cho rằng mức án mà viện kiểm sát đề nghị là "quá khắt khe".

Theo quan điểm bào chữa của luật sư, việc ông Thái nhận tiền từ các nhà thầu là sai nhưng xuất phát từ phía doanh nghiệp "chủ động đưa tiền cảm ơn" chứ bị cáo không đòi hỏi hay yêu cầu hoặc thỏa thuận ăn chia.

Luật sư đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ việc ông Thái nộp lại toàn bộ gần 25 tỉ đồng nhận hối lộ, tự thú về hành vi nhận tiền ngay từ khi cơ quan điều tra chưa phát hiện và đề nghị cho thân chủ được hưởng mức án thấp nhất của khung hình phạt.

Luật sư: Việc đưa hối lộ không phải là lý do duy nhất để công ty trúng thầu

Bị đề nghị 30-36 tháng tù, ông Nguyễn Trí Minh (giám đốc Công ty giấy Minh Cường Phát) phân trần thực hiện hành vi phạm tội "do nhận thức pháp luật hạn chế".

"Trong quá trình bị giam giữ, bị cáo đã nhận thức được việc làm sai trái của mình. Bị cáo vô cùng đau xót về những lỗi lầm của mình", ông Minh nói và xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để "sớm trở về được chăm sóc mẹ già".

base64-1736926261619860852949.jpeg

Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa - Ảnh: GIANG LONG

Cùng bị cáo buộc đưa hối lộ, bà Tô Mỹ Ngọc (cựu chủ tịch Công ty Phùng Vĩnh Hưng) bị đề nghị 5-6 năm tù. Bà có đơn xin xét xử vắng mặt và được tòa chấp thuận.

Bào chữa cho bà Ngọc, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang đưa ra quan điểm bào chữa cho rằng việc công ty trúng thầu không hoàn toàn phụ thuộc vào việc bị cáo đưa tiền cho ông Thái mà "nguyên nhân chính xuất phát từ năng lực, uy tín, chất lượng sản phẩm và giá cả cạnh tranh của công ty".

"Thực tế cũng đã chứng minh Công ty Phùng Vĩnh Hưng đã cung cấp cho Nhà xuất bản Giáo Dục loại giấy chất lượng tốt nhất, giá cạnh tranh nhất, mang lại lợi ích tối ưu nhất cho nhà xuất bản.

Về việc bị cáo Ngọc đưa 20 tỉ đồng cho ông Thái, luật sư cho rằng về bản chất là có mục đích cảm ơn vì đã tạo điều kiện thuận lợi để công ty được tham gia đấu thầu, thanh lý và quyết toán hợp đồng.

Hành vi đưa tiền này không phải là lý do chính và duy nhất để Công ty Phùng Vĩnh Hưng trúng thầu", luật sư nêu quan điểm bào chữa.

Luật sư cho hay bà Ngọc đã nộp 19 tỉ đồng để đảm bảo cho các nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự trong vụ án. Luật sư đề nghị tòa xem xét tuyên trả lại cho bị cáo và gia đình khoản tiền nộp dư.

Trước đó trong phần luận tội, đại diện viện kiểm sát cho rằng hành vi của bà Ngọc gây thiệt hại hơn 6 tỉ đồng cho Nhà xuất bản Giáo Dục.

Viện kiểm sát ghi nhận bà Ngọc đã nộp khắc phục 19 tỉ đồng, gồm khắc phục hậu quả và tự nguyện nộp sung công quỹ.

Theo nguyện vọng của bị cáo này, do có hai con nhỏ trong đó một cháu bị tự kỷ, bản thân đang điều trị u xơ tử cung, nên viện kiểm sát đề nghị tòa xem xét trả lại cho bà Ngọc 8,9 tỉ đồng nộp khắc phục thừa.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020