Chuyên mục  


Hiện diện gần khu vực xảy ra vụ nổ hạt nhân không phải lựa chọn ưu tiên của nhiều lực lượng, tổ chức hành quân về phía này thậm chí còn ít khả thi hơn. Tuy nhiên, quân đội Mỹ cách đây hơn 7 thập kỷ từng bố trí hàng nghìn binh sĩ gần địa điểm xảy ra vụ nổ hạt nhân.

Trong loạt diễn tập mang tên Đá sa mạc, diễn ra tại Thao trường Thực nghiệm Nevada trong các năm 1951-1957, hàng nghìn binh sĩ Mỹ lập một doanh trại kiêm cơ sở hậu cần mới cho các vụ thử hạt nhân trong khu vực. Sau khi vụ nổ hạt nhân diễn ra, hàng trăm binh sĩ hành quân và cơ động xung quanh địa điểm này.

cuoc-hanh-quan-ve-phia-bom-hat-nhan-phat-no-cua-binh-si-my-1689064207.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sC6o5gCfVlhgYbAHMEfOsg
Cuộc hành quân về phía bom hạt nhân phát nổ của binh sĩ Mỹ

Binh sĩ Mỹ ngồi gần địa điểm xảy ra vụ nổ hạt nhân trong diễn tập Đá sa mạc năm 1951. Video: Nuclear Vault

Các cuộc thử nghiệm này được thực hiện một phần vì mục đích nghiên cứu khoa học và một phần liên quan đến chiến thuật. Quân đội Mỹ khi đó quan tâm đến làm cách nào các đơn vị có thể di chuyển gần khu vực xảy ra vụ nổ hạt nhân, cũng như công sự và thiết bị quân sự có thể chịu tác động thế nào.

Vào thời điểm đó, quân đội Mỹ đang phát triển kế hoạch cho một cuộc chiến tranh tiềm tàng, trong đó vũ khí hạt nhân có thể được các bên tham chiến sử dụng trên chiến trường.

Ba cuộc diễn tập Đá sa mạc đầu tiên nằm trong Chiến dịch Buster-Jangle, cuộc thử nghiệm chung của Bộ Quốc phòng Mỹ và Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ diễn ra tháng 10-11/1951. Tổng cộng 7 vụ nổ hạt nhân được thực hiện, trong đó có 6 vụ từ trên không.

Khoảng 6.500 binh sĩ Mỹ tham gia cuộc hành quân và điều động xung quanh khu vực xảy ra vụ nổ hạt nhân. Phần nhiều trong số này được rút từ sư đoàn dù số 11 của lục quân Mỹ.

Video cuộc thử nghiệm cho thấy các binh sĩ Mỹ trong chiến hào nhìn quả bom hạt nhân phát nổ từ xa với đám mây hình nấm vươn lên cao. Sóng xung kích từ vụ nổ làm rung camera và khiến một số binh sĩ trong chiến hào mất thăng bằng. Sau đợt sóng xung kích, các binh sĩ trèo ra ngoài chiến hào và bắt đầu hành quân về vị trí xảy ra vụ nổ.

Tại thời điểm diễn ra thử nghiệm, các nhà khoa học đã nhận thức rõ mối nguy hiểm từ bức xạ trong vụ nổ hạt nhân. Nhưng các binh sĩ Mỹ chỉ được bảo vệ sơ sài với tấm đo nồng độ bức xạ. Nhiều tấm trong số này sau đó bị hỏng hoặc mất.

Các đơn vị tổ chức thử nghiệm nhận định tiếp xúc ngắn hạn với bức xạ không gây ra hậu quả đặc biệt lâu dài. Tuy nhiên, nhiều binh sĩ Mỹ trong những năm tiếp theo gặp vấn đề sức khỏe, tương tự dân cư sống gần khu vực thử hạt nhân ở bang Nevada.

cuoc-hanh-quan-ve-phia-bom-hat-nhan-phat-no-cua-binh-si-my-1689064362.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ltp7cxRYTJ3Ohk3oL9cDNQ
Cuộc hành quân về phía bom hạt nhân phát nổ của binh sĩ Mỹ

Binh sĩ Mỹ tham gia thử nghiệm Đá sa mạc. Video: Inter-Pathe.

5 cuộc diễn tập Đá sa mạc khác diễn ra trong các năm 1952-1957. Trong đó, 7.400 binh sĩ Mỹ tham gia hành quân vào đợt thử nghiệm tháng 4-6/1952, 8.000 người hành quân trong thử nghiệm tháng 2-5/1955. Sau 8 lần diễn tập Đá sa mạc, quân đội Mỹ đình chỉ hoạt động này.

Trong bối cảnh lo ngại Chiến tranh Lạnh bùng phát thành xung đột trực tiếp với vũ khí hạt nhân, lục quân Mỹ những năm 1950 xây dựng kịch bản hoạt động của lực lượng trên bộ giữa các đợt tấn công hạt nhân. Cùng năm diễn tập Đá sa mạc kết thúc, lục quân Mỹ phát triển cơ cấu sư đoàn mới với 5 đơn vị hợp thành.

Mỗi sư đoàn theo cơ cấu trên gồm 5 nhóm chiến đấu được hình thành từ 5 đại đội. Cơ cấu này nhằm tạo ra các đơn vị hợp thành với tính cơ động cao, có thể hoạt động trong trường hợp vụ nổ hạt nhân gây ra thiệt hại thảm khốc cho đơn vị với quy mô lớn hơn. Quân đội Mỹ duy trì cấu trúc đơn vị này tới năm 1963.

Tháng 10/1990, tổng thống Mỹ George H.W. Bush ký thông qua Đạo luật Bồi thường Phơi nhiễm Phóng xạ, trong đó trả tiền bồi thường cho những người sống gần Thao trường Thực nghiệm Nevada, tham gia thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong khí quyển, cũng như công nhân khai thác, chế biến và vận chuyển uranium. Các binh sĩ Mỹ tham gia những cuộc hành quân năm 1951-1957 nói trên thuộc diện được bồi thường.

Nguyễn Tiến (Theo Task&Purpose)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020