Điện Kremlin ngày 15/7 thông báo ông Putin đã điện đàm với ông Ramaphosa theo đề nghị từ phía Nam Phi. Hai bên thảo luận về việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp tới ở Nam Phi, Điện Kremlin cho biết nhưng không nêu chi tiết.
Về thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sẽ hết hạn vào ngày 17/7 trừ khi Nga đồng ý gia hạn, ông Putin nhắc lại với ông Ramaphosa rằng các cam kết của phương Tây về loại bỏ rào cản đối với xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga vẫn chưa được thực hiện.
Nga đã nhiều lần nói rằng vì lý do này, họ thấy không có cơ sở để gia hạn thỏa thuận, đã được ký kết một năm trước để cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng Biển Đen.
Ông Putin hồi giữa tuần nói với các phóng viên rằng thay vì gia hạn thỏa thuận vào tuần tới, Moskva có thể rút lui và chờ các yêu cầu của mình được đáp ứng trước khi tham gia lại.
Trong thông báo từ Văn phòng Tổng thống Ramaphosa về cuộc điện đàm, Nam Phi không nhắc đến nội dung về hội nghị BRICS. Họ cho biết hai lãnh đạo đã thảo luận về sáng kiến hòa bình mà châu Phi vạch ra cho chiến sự Ukraine và "sự cần thiết phải có một giải pháp lâu dài và bền vững cho việc di chuyển ngũ cốc từ Nga và Ukraine ra thị trường quốc tế".
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) ở St. Petersburg ngày 16/6. Ảnh: AFP
Nam Phi đang trong thế tiến thoái lưỡng nan từ khi ICC phát lệnh bắt Tổng thống Putin hồi tháng 3 với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine. Theo Quy chế Rome, 123 nước thành viên của ICC, trong đó có Nam Phi, có nghĩa vụ bắt lãnh đạo Nga và chuyển đến Hà Lan để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ.
Moskva gọi lệnh bắt của ICC là vô nghĩa. Nga từng tham gia ICC nhưng đã rút lui và không công nhận cơ quan này. Thượng nghị sĩ Nga Grigory Karasin đầu tháng 7 cho biết Moskva "những năm gần đây" đã đưa khoảng 700.000 trẻ em từ những vùng xung đột ở Ukraine vào lãnh thổ Nga. Động thái nhằm bảo vệ trẻ mồ côi, bị bỏ rơi trong vùng xung đột và Nga sẽ đưa các em trở về Ukraine khi đủ điều kiện an toàn.
Trưởng công tố viên ICC Karim Khan hôm 14/7 nói rằng ông mong Nam Phi sẽ thực hiện quy chế của tòa. Ông bổ sung rằng tổ chức quốc tế này sẽ theo dõi và đánh giá các diễn biến ở hội nghị BRICS, sau đó đưa ra phản ứng phù hợp. Khan nói ông đã sẵn sàng cho nhiều kịch bản, phản ứng bằng nhiều công cụ ICC đang có.
Trong khi đó, Phó tổng thống Nam Phi Paul Mashatile hôm 14/7 nhấn mạnh thế khó xử của Pretoria, vừa chịu ràng buộc bởi Quy chế Rome nhưng không thể bắt thượng khách. Ông chia sẻ rằng Nam Phi kỳ vọng Nga thông cảm và Tổng thống Putin không đến dự hội nghị.
Nam Phi đề xuất Nga để Ngoại trưởng Sergey Lavrov thay Tổng thống Putin dẫn đầu phái đoàn dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg ngày 22-24/8. Tuy nhiên, Moskva đã từ chối đề xuất này. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi Naledi Pandor, Điện Kremlin chưa xác nhận Tổng thống Putin sẽ đến dự hội nghị ở Nam Phi hay không.
Thanh Danh (Theo CNN, TASS)